Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu

Sau khi thực thi bốn năm nghề cô đỡ trong các vùng xa vùng sâu của nước Togo bên Phi Châu, Mẹ gia nhập dòng Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo vào năm 1986. Tối thứ năm ngày 2-6-2005 khi xảy ra phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dành cho Chị Marie-Simon-Pierre Normand – Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo – thì Mẹ Marie-Thomas lúc đó là Bề Trên nhà bảo sanh Étoile de Puyricard ở Bouches-du-Rhônes, miền Nam nước Pháp, nơi Chị Marie-Simon-Pierre đang hành nghề. Chính việc nhìn nhận phép lạ này đã cho phép lễ tôn phong chân phước Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II diễn ra vào Chúa Nhật 1-5-2011 lễ Lòng Thương Xót Chúa. Xin nhường lời cho Mẹ Marie-Thomas nói về nghề cô đỡ với trọn tâm tình thương mến và nhấn mạnh: ”Đàng sau mỗi đứa bé sơ sinh tôi nhìn thấy một người con của THIÊN CHÚA”.

Năm 17 tuổi tôi tìm kiếm một nghề cho phép tôi phục vụ tha nhân đồng thời có thể sử dụng khéo léo đôi bàn tay của mình. Khi tôi đem vấn đề ra bàn thảo với hiền mẫu tôi thì người đề nghị ngay: ”Sao con không chọn nghề cô đỡ?” Tôi nghe như Trời Cao giáng xuống trên đầu tôi. Một hình ảnh xuất hiện ngay trong tâm trí: Tôi báo tin cho một người cha là ông vừa có một đứa con thì ông vội chạy đến chiếc máy điện thoại, gọi báo tin vui cho cả gia đình cùng biết! Vào chính lúc ấy, tôi nghĩ rằng mình sẽ chọn nghề cô đỡ.

Ngoài ra, tôi chọn nghề cô đỡ bởi lẽ tôi thường bị thôi miên bị mê hoặc vì đôi bàn tay. Mỗi khi gặp một người nào đó tôi thường chú ý trước tiên đến đôi bàn tay của người ấy. Đôi bàn tay thường tỏ lộ nhân cách của chúng ta mà đôi khi chúng ta không biết cũng không ngờ. Chính khi quan sát các bà giáo dạy đỡ đẻ sử dụng nhanh nhẹn đôi bàn tay mà tôi học nghề cô đỡ. Kỹ thuật đỡ đẻ của chúng tôi là sử dụng thật khéo léo đôi bàn tay để phục vụ trẻ sơ sinh và giúp đứa bé lọt lòng mẹ cách an toàn: sao cho mẹ tròn con vuông!

Đôi bàn tay đỡ đẻ của chúng tôi là hai vật tiếp xúc đầu tiên với trẻ sơ sinh nhưng không phải để giữ chặt nó mà là để trao nó lại cho vòng tay trìu mến thân yêu của mẹ nó. Chính mẹ nó sẽ dạy nó sống và sẽ dẫn đưa nó đi vào cuộc đời. Trong nghề đỡ đẻ, có một giây phút mà tôi trân trọng và yêu quý nhất. Đó là: sau khi bà mẹ lâm bồn, tôi thu dọn sạch sẻ căn phòng, bọc tã cho đứa bé sơ sinh, đặt nó vào vòng tay của người mẹ trước sự hiện diện của người cha. Rồi tôi nhẹ nhàng lui ra khỏi phòng sanh, kín đáo khép lại cánh cửa, để lại bên trong cho đôi vợ chồng tận hưởng niềm hạnh phúc bên nhau, cạnh đứa con mới chào đời. Đối với tôi, cánh cửa khép lại là dấu chỉ sự phân cách mà chúng tôi phải tôn trọng. Sự hiện diện của chúng tôi phải được xóa mờ. Chúng tôi giúp các trẻ sơ sinh chào đời, đúng thế, nhưng chúng tôi không có quyền áp đặt đôi bàn tay trên đứa bé. Ngày nay với trách nhiệm Bề Trên Tổng Quyền tôi không còn dịp trực tiếp thực thi nghề cô đỡ, nhưng tôi vẫn giữ nguyên thái độ kín đáo của một cô đỡ đối với các Chị Em thuộc quyền của tôi. Tôi hướng dẫn Chị Em trong niềm kính trọng sâu xa đối với từng căn tính của Chị Em.

Ngay từ đầu, chiều kích chiêm niệm đã hiện diện trong nghề nghiệp đỡ đẻ của tôi. Thêm vào đó, tôi rất thích làm việc ban đêm. Tôi cảm thấy mình giống như người coi ghi (aiguilleur) trên bầu trời chăm chú nhìn quỷ đạo của từng chiếc máy bay trong khung cảnh bao la ngút ngàn của bầu trời. Vào đầu mỗi phiên trực đêm, tôi không bao giờ biết được mình sẽ chào đón tiếp rước bao nhiêu trẻ sơ sinh. Vì thế tôi luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng ra tay hành động với thái độ điềm tĩnh và thật tự chủ. Tiếp đến là diễn ra biến cố phi thường của các cuộc lâm bồn và các việc đỡ đẻ. Khung cảnh một bà mẹ cho ra chào đời một đứa bé không bao giờ gây nhàm chán nơi tôi. Trái lại, tôi luôn cảm thấy ngỡ ngàng và thích thú mỗi khi trân trọng khéo léo giúp một đứa trẻ lọt lòng mẹ. Đàng sau mỗi đứa bé sơ sinh, tôi luôn nhận biết đó là một người con của THIÊN CHÚA được mời gọi khám phá ra Đấng Tạo Dựng nên mình và Cứu Chuộc mình. Cùng một tâm tình này, tôi nghĩ rằng mình đã là nữ tu trước khi chính thức công khai trở thành nữ tu.

Tôi xin gợi lại khung cảnh và lý do nào khiến tôi quyết định gia nhập dòng Các Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo. Năm 1983, tôi làm một phiên trực nơi một trong các nhà bảo sanh của Các Tiểu Muội ở Bourgoin-Jallieu thuộc tỉnh Isère ở miền Nam nước Pháp. Trước đó tôi đã hành nghề cô đỡ trong vòng 4 năm nơi các làng mạc nghèo ở vùng sâu vùng xa của nước Togo bên Phi Châu. Một đêm, vào phiên trực của tôi, một đôi vợ chồng vừa đón nhận đứa con chào đời đã xin tôi cùng hiệp ý với họ dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA về hồng ân sự sống mà Ngài dành cho họ. Lời Kinh dâng hiến trẻ sơ sinh cho THIÊN CHÚA được Các Tiểu Muội dán sẵn trên tường của phòng sanh. Thế là tôi cùng đọc chung Kinh Dâng Hiến trẻ sơ sinh với đôi vợ chồng. Buổi đọc kinh hôm ấy đã khơi dậy trong tôi một chiều kích sâu xa mà tôi từng cảm nghiệm khi thực thi nghề cô đỡ:
– chiều kích chúc tụng tri ân.

Kể từ sau biến cố đó, niềm xác tín rằng trái tim tôi được dựng nên là để cho THIÊN CHÚA, đã lớn mạnh trong tôi. Năm 1986, vào lúc 29 tuổi, tôi chính thức xin gia nhập dòng Các Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo.

… ”Hỡi các con, hãy nghe cha đây, và làm thế nào để các con được cứu độ. THIÊN CHÚA làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh THIÊN CHÚA sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê” (Huấn Ca 3,1-11).

(”Prier”, (HORS-SÉRIE), l’aventure spirituelle, Naitre et renaitre, trang 6-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Exit mobile version