Hỏi: Điều 1248 của Bộ Giáo luật Công Giáo nói rằng ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công Giáo, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ. Trên cơ sở đó, thưa cha, liệu việc tham dự một cử hành phụng vụ Thánh của Chính thống giáo có chu toàn luật dự lễ Chúa Nhật không? Kim chỉ nam về Đại kết năm 1970-1971 của Tòa Thánh cho phép việc này một cách đặc biệt, nhưng không có lời nhắc thể này hay thể khác về việc ấy trong Kim chỉ nam hiện tại (năm 1993). – C. Y., Butler, Pennsylvania, Mỹ.
Đáp: Sau đây là toàn văn của điều 1248:a
” Ðiều 1248: § 1. Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công Giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ.
§ 2. Nếu không có tác viên thánh hay vì lý do quan trọng khác khiến cho việc tham dự Thánh Lễ không thể thực hiện được, thì phải hết sức khuyên nhủ giáo dân tham dự phụng vụ Lời Chúa, nếu được cử hành trong nhà thờ xứ hay tại một nơi thánh khác theo như chỉ thị của Giám Mục giáo phận; hoặc dành một thời giờ phải chăng để cầu nguyện, cách riêng tư hay với gia đình, hoặc nếu thuận tiện, với cả liên gia” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Bởi vì điều 1248 của Bộ Giáo luật hiện nay nói rõ ràng rằng luật dự lễ phải được chu toàn theo lễ nghi Công Giáo, và không nêu ra ngoại lệ nào, một số chuyên viên giáo luật khẳng định rằng điều luật này thực sự xóa bỏ đặc quyền được cấp trong Kim chỉ nam về Đại kết năm 1970, vốn cho phép sự ngoại trừ như trên đây.
Do đó, việc không nhắc đến đặc quyền này, trong “Kim chỉ nam của sự áp dụng các nguyên tắc và qui định về Đại kết” (năm 1993), có thể được giải thích hoặc như là một bãi bỏ dứt khoát đặc quyền, hoặc chỉ đơn giản như là sự công nhận tình trạng vụ việc sau khi Bộ Giáo luật được ban hành.
Bộ Giáo luật của các Giáo Hội Đông Phương có một trình bày tương tự, mặc dù được tổ chức theo một cách khác, để thích ứng với tình hình cụ thể của các Giáo Hội Đông Phương. Do đó, Điều 881.1 viết:
“Các tín hữu Kitô giáo bị ràng buộc bởi nghĩa vụ tham dự các lễ Chúa Nhật và lễ trọng trong Phụng vụ Thánh, hoặc theo các qui định của Giáo Hội ‘sui iuris’ (tự trị) của họ, trong việc cử hành ngợi ca Thiên Chúa”.
Cần lưu ý rằng ở đây không đề cập đến việc tham dự “theo lễ nghi Công Giáo bất cứ ở đâu”. Lý do ở đây có lẽ là các Giáo Hội này bị ràng buộc rất chặt chẽ vào sự tham gia trong truyền thống phụng vụ riêng của họ.
Tuy nhiên, Điều 883.1 không xem xét khả năng của những người đang ở xa nhà họ. Xin mời đọc:
“Về các lễ trọng và ngày sám hối, các tín hữu Kitô giáo đang ở bên ngoài biên giới lãnh thổ của Giáo Hội ‘sui iuris’ (tự trị) riêng của họ, có thể tuân theo các đầy đủ các qui định hiện hành của nơi mà họ đang cư trú”.
Trong thực tế, điều này có nghĩa như sau:
Một người Công Giáo nghi lễ Latinh có thể chu toàn luật buộc dự lễ, bằng cách tham dự bất kỳ Thánh Lễ Công Giáo nào từ chiều tối thứ Bảy đến trọn ngày Chúa Nhật.
Nhiều chuyên viên giáo luật, chứ không tất cả chuyên viên giáo luật, nói rằng chiều tối thứ Bảy có nghĩa là sau 16 giờ chiều thứ Bảy; một số chuyên viên giáo luật lại nói là sau 12 giờ trưa thứ Bảy. Trong một số giáo phận, Đức Giám Mục đã xác định giờ này bắng sắc lệnh, và đây là một sự thực thi hợp pháp quyền bính của ngài trong một khu vực, vốn chưa được xác định bởi Tòa Thánh.
Người Công Giáo Latinh chu toàn luật buộc dự lễ Chúa Nhật, ngay cả khi phụng vụ được cử hành không phải là của Chúa Nhật tương ứng, thí dụ, nếu người ấy tham dự một lễ cưới, thánh lễ an táng, hoặc thậm chí một Thánh Lễ tối thứ Bảy trong một cộng đoàn tu sĩ, mà theo thói quen là Thánh Lễ ngày thường vào buổi tối.
Người đó cũng có thể tham dự bất kỳ cử hành Phụng vụ Thánh nào của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, với nỗ lực tôn trọng các truyền thống của mỗi gia đình phụng vụ, liên quan đến các điều như tư thế đứng ngồi, ăn chay và rước lễ.
Người Công Giáo Đông phương, trên lãnh thổ của Giáo Hội mình, nên luôn tham dự nghi lễ riêng của mình là tốt nhất. Bên ngoài lãnh thổ này, người ấy phải cố gắng hết sức để có thể tham dự nghi lễ riêng của Giáo Hội mình. Nếu không, người ấy có thể tham dự bất cứ thánh lễ Công Giáo nào khác.
Ở các nơi mà nhiều quyền tài phán Công Giáo chồng chéo lên nhau, chẳng hạn tại một số khu vực của Ấn Độ và Trung Đông, người Công Giáo thỉnh thoảng tham dự thánh lễ của các nghi lễ khác nhau, như một dấu hiệu của sự hòa hợp và chung đức tin.
Có một hoặc hai gia đình phụng vụ, cổ xưa nhưng nhỏ bé, mà ở đó có một nhánh Công Giáo và một nhánh Chính thống giáo. Ở các nơi bên ngoài quê hương truyền thống, nhưng ở đó có một số lượng đủ các tín hữu, và thiếu hụt trầm trọng các linh mục, Giáo Hội Công Giáo đã đồng ý chia sẻ các linh mục với Chính thống giáo, để đảm bảo việc cử hành liên tục của truyền thống phụng vụ này. Trong trường hợp như thế, cả người Công Giáo và tín hữu Chính thống làm việc thờ phượng chung với nhau.
Nếu không, một người Công Giáo không chu toàn luật buộc dự lễ Chúa Nhật khi tham dự một thánh lễ Chính thống.
Khi một người Công Giáo ở trong một tình huống mà không có Thánh Lễ Công Giáo, luật buộc dự lễ bị ngưng lại, bởi vì không ai bị buộc thực hiện điều bất khả thi. Như chúng ta đã thấy trong Điều 1248.2, Giáo Hội hết sức khuyên nhủ tín hữu thực hiện một số hình thức chọn lựa khác của việc thánh hóa ngày lễ, chẳng hạn, tham dự phụng vụ Lời Chúa. Tuy nhiên, đây là một đề nghị, chứ không phải là một việc buộc.
Khi một người Công Giáo thấy mình ở trong một tình huống mà không có Thánh Lễ Công Giáo, nhưng có một cử hành phụng vụ Chính thống, thì người ấy có thể tham dự việc cử hành này, như là một phương cách chọn lựa để thánh hóa ngày lễ, mặc dù không chu toàn luật buộc dự lễ Chúa Nhật.
Nếu giáo luật của Giáo Hội Chính Thống cho phép, người Công Giáo cũng có thể rước lễ nữa (Điều 844.2 Bộ Giáo luật Latinh; Bộ Giáo luật Đông phương, điều 671.2) .
Khi ấy, một người Công Giáo nên luôn luôn hỏi trước là liệu việc rước lễ là được chăng. Nếu không thể hỏi, do rào cản ngôn ngữ, thì tốt hơn là nên tránh rước lễ, thay vì có nguy cơ làm trái với truyền thống thiêng liêng của các Kitô hữu anh em.
(Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ/ Zenit.org 18-3-2014)