Ai có quyền trừ tà?

exorcism - Ai có quyền trừ tà?

Trừ tà là việc kêu cầu danh thánh Thiên Chúa, nhằm mục đích xua đuổi ma quỷ ra khỏi một người, một con vật, một nơi chốn, một đồ vật.

Khi được làm nhân danh Giáo hội, bởi thừa tác viên đủ tư cách và theo những nghi lễ đã được chuẩn nhận, việc trừ tà được gọi là công cộng. Trong trường hợp trái lại, việc trừ tà được gọi là riêng tư.

Việc trừ tà công cộng chia thành đơn giản và trọng thể.

– Việc trừ tà đơn giản lệ thuộc vào những nghi thức khác, nhất là việc trừ tà cho dự tòng khi họ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội theo nghi thức phụng vụ. Việc trừ tà này được thực hiện do bất cứ thừa tác viên nào có quyền thực hiện nghi lễ bao gồm việc trừ tà.

– Việc trừ tà long trọng trong trường hợp bị quỷ ám. Đây là trường hợp mà Điều 1172 đề cập đến.

Điều 1172:

§1. Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương.

§2. Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ ta cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn.

Như vậy, để một người có thể trừ tà một cách đúng luật, cần thiết:

– phải là một linh mục.

– có phép đặc biệt (cho từng trường hợp) và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương. Không được phỏng đoán sự cho phép này.

– linh mục đó phải đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn.

Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1673, dạy rằng:

“Nghi thức trừ tà trọng thể phải do một linh mục cử hành với phép của giám mục. Linh mục trừ tà phải thận trọng và giữ nghiêm ngặt các quy định của Hội thánh. Nghi thức trừ ta nhằm trục xuất ác thần Xa-tan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giêsu đã uỷ thác cho Hội thánh. Mục đích này khác hẳn với các việc chữa bệnh là công việc của y khoa. Do đó, trước khi cử hành nghi thức trừ ta, phải điều tra cẩn thận để chắc chắn đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải một dạng bệnh lý (x. CĐ Nixêa 2: DS 601; 603; CĐ Trentô: DS 1822)”.

Mặc dù Giáo luật 1983 không đề cập đến, nhưng việc trừ ta có thể được cử hành cho những người dự tòng, người không công giáo, lạc giáo và bị vạ tuyệt thông nếu họ yêu cầu (x. Điều 1152 của CIC/1917).

1NGƯỜI NHẬN PHÉP LÀNH


Điều 1170:“Các phép lành trước hết phải được ban cho người công giáo, cũng có thể cho người dự tòng, hơn nữa cho cả người không công giáo, trừ khi Giáo hội cấm”.

– Trước hết là người công giáo vì họ “có quyền nhận từ các vị chủ chăn thánh thiêng những trợ giúp do những ơn ích thiêng liêng thuộc Giáo hội” (Điều 213).

– Người dự tòng, mặc dù chưa được rửa tội nhưng họ “được liên kết cách riêng với Giáo hội” (Điều 206 §1)

– Người không công giáo: bao gồm người có rửa tội hay không rửa tội, người tin hay không tin, vì tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và được Đấng Cứu Thế đến để cứu độ (x, Communicationes, 1983, tr. 244, Điều 1124). Nếu không có sự cấm đoán minh nhiên, ngay cả những người ngoại giáo cũng được nhận phép lành (x. Relatio, tr. 269). Tuy nhiên, đối với những người ngoài công giáo, phải để ý tránh gương mù.

– Ngay cả người bị vạ tuyệt thông, mặc dù bị cấm lãnh nhận các Bí tích nhưng không bị cấm lãnh nhận các Á Bí tích (x. Điều 1331 §1.2). Dù sao đi nữa cũng cần phải cẩn thận để tránh gương mù.

Nếu hình phạt cấm lãnh nhận Bí tích hay Á Bí tích, vụ cấm này bị đình chỉ bao lâu phạm nhân ở trong tình trạng nguy tử (Điều 1352 §1)

CÁC ĐỒ VẬT THÁNH

Điều 1171:“Các đồ vật thánh đã được dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa do nghi thức cung hiến hay làm phép phải được sử dụng cách cung kính và không được dùng vào việc trần tục hay việc không thích hợp, mặc dù chúng thuộc quyền sở hữu tư nhân”.

Tính chất thánh thiêng của các đồ vật thánh đặt ra một số hạn chế nào đó đối với quyền sở hữu của tư nhân. Thí dụ như nhà nguyện và nhà nguyện tư, khi đã được làm phép thì không được dùng vào bất cứ việc gì trong gia đình2

Trong Giáo luật, còn các Điều khoản khác liên quan đến các đồ vật thánh:

Điều 1269: “Các đồ vật thánh, nếu thuộc quyền sở hữu tư nhân thì tư nhân có thể thủ đắc nhờ thời hiệu, nhưng không được dùng vào các việc trần tục, trừ khi các đồ vật thánh ấy đã mất tính cách được cung hiến hay được làm phép; nhưng nếu thuộc pháp nhân công của Giáo hội, thì chỉ pháp nhân khác của Giáo hội mới có thể thủ đắc”.

Theo Điều 397 §1, “….các sự vật thánh và các nơi thánh có trong phạm vi giáo phận là đối tượng kinh lý thông thường của giám mục”.

Điều 1376: “Ai xúc phạm đến của Thánh, động sản hay bất động sản, phải bị phạt cân xứng”.

————————

1 x. Communicationes, 1983, tr. 244, Điều 1124.

2 x. Điều 1229.

(Lm. LG. Huỳnh Phước Lâm, WGP.Long Xuyên)

Exit mobile version