Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) Ảnh tư liệu
Alexandre de Rhodes hay Francisco De Pina?
Với hai quyển sách Tự điển An Nam – Bồ Đào Nha – Latin (gọi tắt Tự điển Việt – Bồ – La) và Phép giảng tám ngày bằng quốc ngữ được tòa thánh La Mã cho xuất bản năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) từ lâu được coi là người có công lớn trong việc chế tác ra chữ quốc ngữ.
Để tưởng nhớ công lao của Đắc Lộ, năm 1941 một bia kỷ niệm khắc tên ông đã được dựng bên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội; và ở Sài Gòn vào năm 1955 người ta đã lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ngay trung tâm thành phố này, còn mãi đến nay.
Nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhận xét: “Đành rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người duy nhất đã sáng chế và làm cho chữ quốc ngữ trở nên hoàn hảo, nhưng lịch sử vẫn xem vị giáo sĩ này là thủy tổ chữ quốc ngữ vì đã có công thử thách chữ quốc ngữ trong các lĩnh vực soạn sách tự điển, văn phạm, giáo lý, và nhất là phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ bằng những tác phẩm ấn loát tại nhà in của Thánh bộ Truyền giáo tại La Mã”.
Đó là những quyển sách được coi là công cụ bước đầu trong việc phổ truyền việc dạy và học chữ Việt, mở ra sự xuất hiện chữ Việt trên bản đồ chữ viết của thế giới. Thủy tổ chữ quốc ngữ là cụm từ do nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm dành cho giáo sĩ Đắc Lộ, trong đó có một số luận chứng giống như tác giả Võ Long Tê đã trích dẫn.
Quan điểm cho rằng giáo sĩ Đắc Lộ là người có công đầu, có công nhiều nhất trong việc làm ra chữ quốc ngữ cũng đã được nhà nghiên cứu Hoàng Tiến nhắc lại trong đề tài nghiên cứu Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20 của mình được xuất bản năm 1994:
“…Và nhất là cha cố người Pháp Alexandre de Rhodes là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ đã tới Việt Nam và giảng đạo bằng tiếng Việt. Tất nhiên việc này có công sức đóng góp của nhiều người, nhưng ông là đại diện và giữ công đầu”.
Tuy nhiên, mãi đến gần đây nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đã phản bác quan điểm tồn tại lâu nay, ông cho rằng Đắc Lộ không phải là người có công đầu trong việc tạo tác chữ quốc ngữ.
Trong tham luận “Hội An – Thanh Chiêm và sự ra đời chữ quốc ngữ” tại tọa đàm khoa học “Danh xưng Quảng Nam” ở Tam Kỳ hồi tháng 9-2001, tác giả Nguyễn Phước Tương nhấn mạnh rằng Francisco de Pina mới là nhà tiên phong sáng tạo chữ quốc ngữ.
Luận cứ mang tính khẳng định của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương trước hết dựa vào tự bạch của giáo sĩ Đắc Lộ trong “Lời nói đầu” ở Tự điển Việt – Bồ – La rằng ông học tiếng Việt lúc đầu với giáo sĩ F. de Pina, rằng ông đã sử dụng các công trình tự điển viết tay An Nam – Bồ, Bồ – An Nam của các giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa – những điều mà bất cứ ai tiếp cận Tự điển Việt – Bồ – La đều biết rõ.
Bên cạnh một số luận cứ khác nữa, đặc biệt, nhà nghiên cứu này còn dựa vào phát hiện mới về công trình chữ quốc ngữ của F. de Pina của nhà ngôn ngữ học Pháp Roland Jacques.
Đó là bức thư viết dở dài bảy trang cùng cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài dài 22 trang dạy cho người mới học tiếng Việt của giáo sĩ F. de Pina được R. Jacques tìm thấy ở Thư viện Quốc gia tại Lisbon (Bồ Đào Nha).
Từ những tư liệu mới tìm thấy này, R. Jacques đã viết chuyên luận Công trình của một số nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam được ấn hành tại Paris năm 1995.
Tác giả này viết: “Qua sự so sánh có hệ thống việc mô tả bộ chữ cái Việt Nam thực hiện bởi văn bản này và văn bản kia, như vậy sẽ trở nên có thể nhận định được rõ ràng hơn rằng Alexandre de Rhodes đã chịu ơn các vị tiền bối của mình và ngược lại, có sự đóng góp tài năng của bản thân ông”.
Nhà in Làng Sông được thành lập năm 1872 tại huyện Tuy Phước, Bình Định – một trong những nhà in chữ quốc ngữ đầu tiên – Ảnh: H.V.M.
Công lao tập thể và vai trò của người Việt
Trong khi đó, một quan điểm phổ quát hơn, từng được nhiều nhà nghiên cứu cùng chấp nhận hơn là: chữ quốc ngữ được hình thành bước đầu từ công lao của một số giáo sĩ dòng Tên.
Năm 1955, trong cuốn sách về Công trạng của nước Pháp ở Đông Dương của mình, tác giả Pháp Georges Taboulet cũng đã đưa luận điểm như trên khi ông viết: “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latin điểm thêm các dấu quy ước, là một công lao tập thể mà sự đóng góp chủ yếu của các linh mục Francisco de Pina, Cristophoro Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, còn linh mục Alexandre de Rhodes thì có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự này…”.
Tác giả Võ Long Tê cũng cho rằng: “…Căn cứ vào những sử liệu chắc chắn và những suy luận hợp lý, chúng ta có thể quyết đoán rằng công cuộc sáng chế chữ quốc ngữ là một công trình tập thể, nằm trong một khuôn khổ những nỗ lực phiên âm các thứ tiếng có chữ tượng hình ở Viễn Đông do các thừa sai châu Âu khởi xướng từ thế kỷ thứ 16”.
Cũng nhắm vào công lao tập thể trong việc tạo lập chữ quốc ngữ, linh mục Đỗ Quang Chính đã dùng từ “những ông tổ” để chỉ những giáo sĩ có công trong việc Latin hóa tiếng Việt buổi đầu.
Dẫu vậy, vị linh mục sớm đi vào nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ này cho rằng “ai là người có công nhất trong việc sáng tác chữ quốc ngữ?” vẫn còn là điều thắc mắc cần được làm sáng tỏ.
Về đóng góp của người Việt, theo nhà nghiên cứu Võ Ngọc Liễn, có lẽ vì đặt nặng vai trò chủ động của các giáo sĩ dòng Tên trong việc tạo tác nên chữ Việt mới từ mẫu tự Latin do họ “mang tới” vốn hoàn toàn xa lạ với người Việt, các nhà nghiên cứu có phần chậm trễ khi nói đến vai trò của người Việt.
Trong một số tác phẩm được xuất bản từ những năm 1960-1970 của mình, các tác giả Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều đã đề cập sự đóng góp của người Việt cho sự ra đời của chữ quốc ngữ.
Đó là những nho sĩ, những sư sãi, những tân tòng – người mới theo đạo (Công giáo) mà đặc biệt là những tân tòng trở thành thầy giảng (đạo).
Nhưng tiếc rằng đó đều là những đóng góp lặng thầm, chìm khuất, ít được các giáo sĩ thời đó nêu danh tính hay ghi lại cụ thể, ngoại trừ những ghi chép của các giáo sĩ F. de Pina, Đắc Lộ, C. Borri về công lao của người Việt trong việc bày vẽ cho họ học tiếng bản xứ.
“Các thầy giảng Igesico Văn Tín, Bentô Thiện với những tác phẩm quốc ngữ xuất sắc được lưu lại từ năm 1659, đương nhiên họ đã cùng với các vị giáo sĩ ở cư sở của mình cùng nhau miệt mài luyện tập chữ quốc ngữ cũng như học hỏi ngôn ngữ của nhau” – nhiều nhà nghiên cứu đã nói.
Và, ngoài tên tuổi của một ít các thầy giảng người Việt được nói đến, chắc chắn còn nhiều người Việt khác đã cộng tác đắc lực với các linh mục dòng Tên trong công cuộc kiến tạo chữ quốc ngữ buổi đầu.
Kỳ đầu: Thuở ban đầu của chữ quốc ngữ
Kỳ hai: Hai bức thư và tập lịch sử nước An Nam
Kỳ tới: Đâu là “chiếc nôi” chữ quốc ngữ?