Adong, Evà Và Sự Tiến Hoá

Có nhiều giả thuyết dưới tựa đề tiến hóa. Những giả thuyết này cố đề ra một tiến trình mà qua đó, mọi vật bắt đầu từ các dạng thức đơn giản và phát triển thành các dạng thức phức tạp hơn. Chúng ta sẽ nhìn đến các giả thuyết này cũng như lập trường của Công Giáo đối với các giả thuyết ấy.

Cuộc tranh luận về sự tiến hóa liên can đến các điều tin tưởng căn bản nhất về thế giới và con người. Các thuyết tiến hóa được sử dụng để trả lời cho các vấn nạn về nguồn gốc vũ trụ, sự sống, và con người. Các thuyết này có thể bao gồm thuyết tiến hóa về vũ trụ, tiến hóa về sinh vật học, và tiến hóa về con người.


Người ta thường có ba lập trường về nguồn gốc của vũ trụ, sự sống và con người. Ba lập trường này là sự tạo dựng đặc biệt, sự tiến hóa hữu thần, và sự tiến hoá vô thần. Những người chủ trương tạo dựng đặc biệt cho rằng có điều gì đó được phát sinh, nhưng đột khởi và do Thiên Chúa trực tiếp tạo nên. Sự tiến hóa hữu thần chủ trương rằng vật thể phát triển từ trạng thái hay hình dạng trước đó, nhưng tiến trình phát triển này dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của Thiên Chúa. Sự tiến hoá vô thần cho rằng vật thể được phát sinh, nhưng không vì sự thúc đẩy hay hướng dẫn của Thiên Chúa; nó xảy ra là vì các động lực ngẫu nhiên.


Vì vấn đề tạo dựng vũ trụ, sự sống và con người là ba vấn đề tách biệt, nên người ta có thể có ba lập trường khác nhau. Một số người cho rằng cả ba yếu tố là sản phẩm của sự tạo dựng đặc biệt. Người khác lại cho rằng, sau khi vũ trụ được tạo dựng cách đặc biệt, Thiên Chúa đã dùng sự tiến hóa hữu thần để tạo nên sự sống và con người. Có người lại nói, mặc dù sự sống con người là sản phẩm của tiến hoá hữu thần, nhưng chính loài người là một tạo vật đặc biệt. Sau cùng, có người cho rằng nguồn gốc của ba điều trên là bởi sự tiến hóa vô thần.


Liên quan đến vấn đề xuất hiện của vũ trụ, sự sống, và con người là vấn đề khi nào thì chúng xuất hiện. Những ai chủ trương cả ba yếu tố trên đều do sự tạo dựng đặc biệt thì thường cho rằng chúng xuất hiện cùng một lúc, có lẽ từ sáu đến mười ngàn năm trước. Những ai chủ trương cả 3 yếu tố do sự tiến hóa vô thần thì nói rằng cần phải một thời gian lâu hơn. Họ thường cho rằng vũ trụ có từ mười đến hai mươi tỉ năm, sự sống trên mặt đất có khoảng bốn tỉ năm, và giống người hiện thời (hậu duệ của homo sapiens) có khoảng ba mươi ngàn năm. Còn những người tin vào sự tiến hóa hữu thần lại cho rằng thời gian xuất hiện của ba yếu tố trên thì ở giữa khoảng thời gian của sự tạo dựng đặc biệt và sự tiến hóa vô thần.

Lập Trường Công Giáo

Lập trường Công Giáo là gì đối với vấn đề tin hay không tin vào sự tiến hóa? Vấn đề chưa được minh định, và có lẽ không bao giờ được minh định, nhưng chắc chắn là có giới hạn đối với những gì được coi là đức tin Công Giáo.


Về sự tiến hóa của vũ trụ, Giáo Hội xác định một cách chắc chắn rằng vũ trụ được tạo nên từ hư không. Công Ðồng Vatican I long trọng xác định rằng mọi người phải “tuyên xưng rằng thế giới và mọi sự trong đó, hữu hình và vô hình, được Thiên Chúa tạo nên từ hư không” (Các Ðiều Khoản về Thiên Chúa Ðấng Tạo Dựng Mọi Sự, điều 5).


Giáo Hội không có lập trường chính thức về vấn đề các ngôi sao, tinh vân, và hành tinh mà chúng ta thấy ngày nay có được tạo dựng cùng một lúc hay chúng phát triển theo thời gian (tỉ như, thuyết Ðại Thanh [Big Bang] mà các nhà thiên văn đang tranh luận). Tuy nhiên, Giáo Hội duy trì lập trường rằng, nếu các tinh tú phát triển theo thời gian, sự phát triển của chúng là tùy thuộc Thiên Chúa và hoạch định của Ngài, vì Kinh Thánh có ghi: “Nhờ lời Thiên Chúa mà các tầng trời được tạo thành, và tất cả mọi thứ trong đó [ngôi sao, tinh vân, hành tinh] bởi hơi thở từ miệng Ngài” (Sáng Thế 33:6).


Về sự tiến hóa sinh vật học, Giáo Hội không nói rõ là các dạng sự sống khác nhau có phát triển theo chu kỳ thời gian hay không. Tuy nhiên, Giáo Hội nói rằng, nếu chúng có phát triển thì sự phát triển ấy dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của Thiên Chúa, và sự tạo dựng tối hậu phải tùy thuộc vào Ngài. Giáo Lý Công Giáo khẳng định: “Thiên Chúa muốn các tạo vật lệ thuộc nhau. Mặt trời và mặt trăng, cây cổ thụ và bông hoa bé nhỏ, chim đại bàng hay chim sẻ… Chắc chắn có sự liên kết giữa các tạo vật vì tất cả có cùng một Tạo Hóa và được sắp xếp vì vinh danh của Ngài” (GLCG 340, 344).


Về sự tiến hoá con người, Giáo Hội có sự giảng dạy rõ ràng hơn. Giáo Hội vẫn cho phép chúng ta nghĩ là thân xác con người phát triển từ các dạng sinh vật học có từ trước (dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa), nhưng Giáo Hội nhấn mạnh đến sự tạo dựng đặc biệt của linh hồn. Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố, “phù hợp với tình trạng hiện nay của khoa học nhân văn và thần học thánh, thẩm quyền giảng dạy của Giáo Hội không cấm sự nghiên cứu và thảo luận… được tổ chức đối với vấn đề tiến hóa, một khi trong đó bàn bạc về nguồn gốc của thể xác con người xuất phát từ một vật thể sống động và có trước đó – [nhưng] đức tin Công Giáo buộc chúng ta phải tin rằng linh hồn được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa” (Humani Generis, 36). Do đó, dù thân xác con người được tạo dựng đặc biệt hay phát triển theo thời gian, vì đức tin Công Giáo, chúng ta buộc phải tin rằng linh hồn được tạo dựng cách đặc biệt; nó không tiến hóa, và linh hồn không được thừa hưởng từ cha mẹ như thân xác chúng ta.


Trong khi Giáo Hội cho phép tin vào sự tạo dựng đặc biệt hoặc sự tiến hóa hữu thần về một vài vấn đề, không có trường hợp nào mà Giáo Hội cho phép tin vào sự tiến hoá vô thần – đó là, sự phát triển thuần tuý bởi các động lực ngẫu nhiên không do Thiên Chúa kiểm soát hoặc không trong hoạch định của Ngài.

Vấn Ðề Thời Gian

Vấn đề khi nào vũ trụ, sự sống, và con người xuất hiện lại càng ít được xác định. Giáo Hội quả quyết rằng vũ trụ thì chắc chắn có giới hạn – nó không hiện hữu từ đời đời – nhưng Giáo Hội không xác định thời gian nào thì vũ trụ được hình thành, từ vài ngàn năm hay vài tỉ năm trước.


Người Công Giáo có thể thẩm định vấn đề già hay trẻ của vũ trụ qua các chứng cớ khoa học và trong Phúc Âm. “Mặc dù đức tin ở trên lý lẽ, nhưng không bao giờ có sự trái ngược giữa đức tin và lý lẽ. Vì Thiên Chúa đã tiết lộ các bí nhiệm và thông ban đức tin, chính Ngài cũng đã ban cho trí óc con người biết lý lẽ thì Thiên Chúa không thể tự lừa dối mình, hoặc sự thật có thể trái ngược với sự thật” (GLCG 159).


Do đó, chứng cớ khoa học và chứng cớ phúc âm về tuổi của vũ trụ phải phù hợp nhau, và phù hợp ở mức độ mà loài người có thể hiểu được, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự mặc khải siêu nhiên trong Phúc Âm cũng như sự mặc khải tự nhiên của vũ trụ. Ðiều này có nghĩa nếu người Công Giáo nào muốn chứng minh vấn đề tuổi của vũ trụ thì chứng cớ khoa học và chứng cớ phúc âm phải phù hợp nhau, chứ không được giữ cái này bỏ cái kia.

Bài này không nhằm đề cập đến chứng cớ khoa học, nhưng cũng cần đề cập đến sự giải thích Sáng Thế Ký. Có hai phương cách căn bản để đọc về sáu ngày tạo dựng vũ trụ: theo thứ tự thời gian, và theo đề tài.

Cách Ðọc Theo Niên Ðại

Theo cách đọc niên đại, sáu ngày tạo dựng phải được hiểu ngày này tiếp ngày khác theo một thứ tự thời gian chặt chẽ. Quan điểm này, dù không luôn luôn, nhưng thường liên tưởng đến luận điệu cho rằng sáu ngày tạo dựng là những ngày bình thường có 24 tiếng.


Một số người bác bỏ luận điệu ấy khi họ cho rằng chữ Hebrew (cổ Do Thái) dùng trong đoạn văn này để chỉ về một ngày (“yom”) có thể lâu hơn 24 giờ (như trong STK. 2:4). Tuy nhiên, có lẽ rõ ràng là đoạn Sáng Thế Ký 1 nói về ngày như chúng ta hiểu bây giờ. Ở cuối mỗi đoạn đều có một công thức giống nhau, “Và đó là một ngày, từ buổi tối đến buổi sáng” (STK. 1:5). Dĩ nhiên, buổi tối và buổi sáng là những điểm chuyển tiếp giữa ngày và đêm (đây là ý nghĩa của chữ Hebrew), nhưng nếu lâu hơn 24 giờ thì không thể tạo nên một ngày và một đêm. Hơn nữa, các chữ “buổi tối” và “buổi sáng” theo đúng thứ tự thời gian của Do Thái, vì ngày của họ được bắt đầu khi mặt trời lặn (buổi tối) và kéo dài cho đến khi mặt trời mọc (buổi sáng), thay vì bắt đầu vào nửa đêm như các “đồng hồ” ngày nay. Sáng Thế Ký trình bầy những ngày này như các ngày 24 tiếng của thiên văn. Nếu chúng ta không có ý định hiểu đó như một ngày 24 tiếng, chính là vì Sáng Thế Ký 1 không được hiểu theo nghĩa đen là một biến cố đúng theo thời gian.


Ðó là điều mà chúng ta hiểu ngày nay. Ðức Giáo Hoàng Piô XII cảnh giác chúng ta: “Thật sự rất cần thiết để người phiên dịch trở về với tinh thần của các thế kỷ xa xưa ở Ðông Phương, và sử dụng một cách đúng đắn những gì đã được sử học, khảo cổ học, nhân chủng học và các khoa học khác đem lại, để khám phá ra các dạng thức văn chương mà các văn sĩ thời ấy muốn dùng và thực sự đã dùng. Vì, để diễn tả những gì họ nghĩ, người thời xưa ở Ðông Phương không luôn luôn dùng đến cùng một dạng thức và cách diễn đạt như chúng ta bây giờ; họ dùng những dạng thức hiện hành trong dân chúng thời bấy giờ và ở cùng một chỗ… Các sách thiêng liêng không cần loại bỏ các hình thức diễn đạt thường được dùng trong lối nói của người xưa, nhất là ở Ðông Phương, chỉ vì chúng không phù hợp với sự thiêng liêng và chân thực của Thiên Chúa…” (Divino Afflante Spiritu).

Cách Ðọc Theo Ðề Tài

Ðiều này đưa chúng ta đến một cách giải thích khác về Sáng Thế Ký 1 – cách đọc theo đề tài. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, trong văn học thời xưa người ta thường sắp xếp thứ tự biến cố lịch sử theo đề tài hơn là theo thứ tự niên đại chặt chẽ.

Những người chủ trương đọc Sáng Thế Ký 1 theo đề tài nói rằng, đoạn này trưng ra một kết cấu theo đề tài và tập hợp các biến cố lịch sử (tạo thành sự sáng, mặt trời, bầu trời, chim và cá, v.v.) theo đề tài hơn là theo thứ tự thời gian.


Ðể lý luận cho thứ tự đề tài của Sáng Thế Ký 1, họ đưa ra nhận xét rằng vào lúc vũ trụ được tạo dựng, có hai vấn đề – nó “không có hình dạng và trống rỗng.” Trong ba ngày đầu tạo dựng, Thiên Chúa giải quyết vấn đề không có hình dạng qua sự nối kết các khía cạnh khác nhau của môi trường. Vào ngày thứ nhất Ngài tách biệt ban ngày với ban đêm; vào ngày thứ hai Ngài tách nước bên dưới (đại dương) với nước bên trên (mây), với bầu trời ở giữa; và vào ngày thứ ba Ngài tách biệt phần nước bên dưới, tạo thành đất liền. Như vậy, thế giới được thành hình.


Nhưng nó vẫn trống rỗng, bởi thế vào một chuỗi ba ngày khác, Thiên Chúa giải quyết vấn đề trống rỗng của thế giới bằng cách tạo nên các vật ở trong ba lĩnh vực mà Ngài đã tạo ra trước đây. Vào ngày thứ tư, Ngài đưa mặt trời, mặt trăng và tinh tú vào ban ngày và ban đêm; vào ngày thứ năm Ngài cho sinh sản đầy dẫy bầu trời và biển khơi với chim và cá; và vào ngày thứ sáu Ngài cho sinh sôi nẩy nở trên mặt đất với muông thú, sau cùng là tạo dựng con người. Như thế, sau khi giải quyết vấn đề thiếu hình dạng và trống rỗng, công trình của Thiên Chúa hoàn tất và Ngài nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy.


Ðiểm chính là tất cả những điều này đều có thực; Thiên Chúa thực sự thi hành tất cả điều này – Ngài tạo nên chu kỳ ngày và đêm, và chu kỳ mưa nắng và bầu trời cũng như đất liền; Ngài tạo nên mặt trời và tinh tú, chim trời, cá mú, muông thú trên mặt đất. Tất cả những điều đó tuyệt đối là có thực trong lịch sử, nó được sắp xếp theo thứ tự đề tài hơn là thời gian, và họ lý luận rằng, người xưa sẽ hiểu đúng như vậy.

Lịch Sử Có Thật

Dù Sáng Thế Ký 1 ghi lại công trình của Thiên Chúa theo một thứ tự khác với niên đại, điểm cần lưu tâm là sách đã ghi lại công trình của Ngài – những gì Thiên Chúa đã thực sự thi hành. Sách Giáo Lý giải thích “Kinh Thánh trình bày công việc của Ðấng Tạo Hóa có tính cách tượng trưng trong một chuỗi sáu ngày ‘làm việc,’ kết thúc với sự ‘nghỉ ngơi’ vào ngày thứ bảy” (GLCG 337), nhưng “Không có gì hiện hữu mà không bởi Thiên Chúa. Thế giới bắt đầu khi lời Chúa đưa nó ra khỏi hư không; tất cả các sinh vật, mọi thiên nhiên, và mọi lịch sử con người đều bắt nguồn từ biến cố ban đầu này, đó chính là khi vũ trụ hình thành và thời gian bắt đầu” (GLCG 338). Do đó, không thể coi các biến cố trong Sáng Thế Ký 1 chỉ là huyền thoại. Thật vậy, đó là các biến cố của lịch sử có thật, ngay cả khi chúng được kể theo một kiểu văn chương mà chúng ta không còn dùng ngày nay.

A Dong & E Và: Người Thật

Cũng không thể bỏ qua câu chuyện của Adong và Evà và sự Sa Ngã (STK. 2, thuyết độc tổ) mà chấp nhận một nhóm vợ chồng nguyên thủy (thường được gọi là thuyết đa tổ).


Ðiều này đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XII nói rõ: “Tuy nhiên, về một quan điểm phỏng đoán khác, được gọi là thuyết đa tổ, thì con cái Giáo Hội không được theo sự tự do ấy. Vì người tín hữu không thể chấp nhận quan điểm rằng, ngoài A Dong còn có một con người khác thực sự hiện diện trên trái đất mà nguồn gốc của họ không qua sự lưu truyền tự nhiên từ A Dong là người cha đầu tiên của mọi người, hoặc cho rằng A Dong chỉ đại diện cho một số người cha đầu tiên. Vậy thì, thật hiển nhiên không cách nào có thể hòa hợp quan điểm ấy với các nguồn đã được mặc khải, cũng như các văn kiện của huấn quyền Giáo Hội đã đưa ra về vấn đề tội nguyên tổ do bởi tội lỗi của cá nhân A Dong, qua các thế hệ truyền đến tất cả mọi người và hiện diện trong mỗi người như của chính họ” (Humani Generis 37).

Khoa Học và Tôn Giáo

Giáo Hội không chống đối khoa học, cũng không chấp nhận cách mù quáng các đề nghị về phương diện triết học hay tôn giáo được đề ra bởi những người nhân danh khoa học. Giáo Lý Công Giáo khẳng định:

Vấn đề nguồn gốc của vũ trụ và con người từng là chủ đề của nhiều cuộc nghiên cứu khoa học mà đã phong phú hóa sự hiểu biết của chúng ta về tuổi và kích thước của vũ trụ, về sự phát triển của các hình thái sự sống và sự xuất hiện của con người. Những khám phá này kêu gọi chúng ta hãy thán phục hơn nữa sự cao cả của Ðấng Tạo Hóa, và hãy cảm tạ Ngài vì các công trình ấy và vì sự hiểu biết và khôn ngoan mà Ngài đã ban cho các học giả cũng như các nhà nghiên cứu. Cùng với Solomon, các vị này có thể nói rằng: ‘Chính Ngài đã ban cho tôi sự hiểu biết không sai lầm về sự vật, hiểu biết cơ cấu của vũ trụ và sự hoạt động của các nguyên tố… vì sự khôn ngoan, là thợ tạo thành mọi sự, đã chỉ bảo tôi‘ (KN. 7:17-22)” (GLCG 283)


Như vậy, về phương diện lịch sử, Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Không có sự bất đồng thực sự giữa thần học gia và khoa học gia miễn là mỗi bên giữ trong giới hạn của mình… Tuy nhiên nếu có bất đồng… phải nhớ rằng các tác giả Kinh Thánh, hay đúng hơn ‘Thần Khí Thiên Chúa, Ðấng đã nói qua họ, không muốn giảng dạy con người về các chân lý như thế (như sự cấu tạo bên trong các vật quan sát được) vì không giúp ai được cứu chuộc’; vì lý do này, thay vì tìm cách giải thích thiên nhiên theo phương diện khoa học, đôi khi các tác giả ấy diễn tả và giải quyết các vấn đề hoặc trong kiểu nói biểu tượng hoặc theo ngôn ngữ thông thường thời ấy đòi hỏi, và thực sự ngày nay trong đời sống hàng ngày vẫn đòi hỏi, ngay cả giữa những người học thức nhất” (Ðức Lêô, Providentissimus Deus).


Như Giáo Lý Công Giáo đã viết: “Do đó, cuộc khảo cứu có phương pháp trong mọi ngành khoa học, nếu được thể hiện trong một phương cách thực sự khoa học và không vượt qua các quy tắc luân lý thì không thể xung khắc với đức tin, vì các thực tại trong vũ trụ và thực tại của đức tin đều phát xuất từ một Thiên Chúa. Ai kiên trì và khiêm tốn tìm kiếm các bí ẩn của thiên nhiên thì được dẫn dắt bởi bàn tay Thiên Chúa, như từ trước đến nay, bất kể họ là ai, vì chính Thiên Chúa, Ðấng duy trì mọi sự, đã dựng nên mọi sự như hiện nay” (GLCG 159). Giáo Hội Công Giáo không sợ khoa học.

(nguoitinhuu)

Exit mobile version