Trong ý nghĩa trên xin được trình bày đề tài với 2 điểm chính sau đây:
§Con cái là hoa trái của tình yêu cha mẹ
§Gia đình là chiếc nôi sự sống và tình yêu
I. CON CÁI LÀ HOA TRÁI CỦA TÌNH YÊU CHA MẸ
Trong đời sống gia đình, khi người vợ nhận biết sự sống đã trở thành thai nhi trong lòng mình và báo tin cho người chồng, họ hân hoan vui mừng hay lo âu buồn khổ tuỳ theo tình yêu của họ thực sự dành cho nhau. Đối với một gia đình bình thường, khi hai vợ chồng biết họ đã có con, họ thực sự hạnh phúc khôn tả vì tình yêu của họ đã nảy mầm. Từ đó, họ cùng nhau phục vụ cho sự sống của người con trong thai từng ngày, từng tháng với niềm hy vọng sự sống triển nở và đứa con chào đời. Nhưng, con cái là hoa trái của tình yêu cha mẹ, không chỉ dừng lại ở giây phút được cưu mang và sinh hạ, tình yêu của cha mẹ luôn tác động trên người con từ trong bào thai đến khi con trưởng thành. Sau đây là một vài cách thể hiện tình yêu của cha mẹ dành cho con cái như những nguyên tắc cơ bản đã được nói đến ở một vài chuyên đề khác:
1. Sinh con có trách nhiệm
Theo các nhà tâm lý: khi người vợ đang mang thai, mối tương quan vợ chồng ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi rất nhiều. Nếu người vợ được chồng yêu thương, chăm sóc, cảm thông, chia sẻ thì niềm vui và sự bình an của người mẹ sẽ tác động đến sức khỏe và cá tính của đứa con. Trái lại, nếu người vợ thường bị chồng bỏ rơi, không giúp đỡ và nổi nóng la mắng thì nỗi buồn phiền, cô đơn của mẹ cũng truyền thông sang đời sống thể chất và tâm linh của con. Quả thực, tất cả mọi tình cảm vui buồn, mọi thái độ sống tích cực hay tiêu cực, mọi lời nói lịch lãm hay thô tục của cha mẹ đều ảnh hưởng đến con. Vì thế, khi quyết định làm cha mẹ, chúng ta trở nên thày cô giáo đầu tiên và người mẫu đời thường của con về mọi phương diện trong đời sống. Nếu chúng ta muốn có những người con khoẻ đẹp, thành đạt, hiếu thảo, trước tiên chúng ta hãy trở nên những người mẫu với 3 nét đẹp về: ngoại hình, năng lực và phẩm cách.
Vâng, để trở thành những cha mẹ tốt, thể hiện tình yêu con cái tròn đầy, chúng ta cần quan tâm đến sức khoẻ của bản thân, điều độ trong sinh hoạt vui chơi, làm việc và chế độ ăn uống. Đồng thời, chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm để nâng cao năng lực, tạo uy tín và thế đứng của mình. Nhất là chúng ta cần có phẩm cách đẹp, biết tự chủ trong thái độ, lời nói, tình cảm để luôn có mối quan hệ tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đó chính là tình yêu cao quí nhất cha mẹ có thể trao cho con cái. Nếu không, con cái chúng ta được sinh ra sẽ có một vóc dáng yếu đuối, nhân cách có thể bị lệch lạc, mang mầm bệnh tâm lý dẫn đến trầm cảm. Hiện nay trong xã hội, mỗi ngày một nhiều hơn những trẻ em được mang đến phòng trị liệu tâm lý mà nguyên nhân là chính mối tương quan trong hệ thống gia đình đang có vấn đề như cha mẹ thường xuyên bất hòa, chê trách nhau và quyết định li hôn.
2. Thường xuyên gần gũi con
Ngay từ trong thai, đứa bé đã cần đến tình yêu của cha mẹ thể hiện trong lời nói, thái độ và tình cảm. Rồi khi bé được sinh ra và lớn lên, bé luôn cần sự hiện diện, vòng tay, nụ hôn và lời nói yêu thương của cha mẹ. Chúng ta nên biết rằng: có những thai nhi đã phải chịu đựng tình cảm tiêu cực của cha mẹ với nhau nên khi sinh ra chúng thường là những đứa trẻ hay gây hấn, khó giáo dục. Rồi trong cuộc sống, ngay cả với những gia đình bình thường, nếu cả hai cha mẹ cùng đi làm, thì chúng ta nên trao đổi với nhau, cùng sắp xếp thời gian để một trong hai người có thể ở bên con, đặc biệt là bữa cơm tối và những sinh hoạt buổi tối của gia đình: có thể cùng xem tivi, cùng đọc một cuốn truyện và trao đổi với con về nội dung các nhân vật trong truyện hoặc phim. Nhất là gợi ý hỏi con về sinh hoạt học tập, vui chơi của chúng trong ngày.
Điều nên nhớ là con cái phải là ưu tiên số một trong những chọn lựa khác. Nếu chúng ta không kiên nhẫn lắng nghe và giải đáp những thắc mắc ngây ngô xem ra vô nghĩa của con, chúng ta sẽ bị trả giá là thái độ bất tin cậy của chúng sau này.
3. Là người tin cậy của con
Khi hướng dẫn trẻ em về bổn phận của con cái trong gia đình, tôi thường nhắc đến lòng hiếu thảo thể hiện qua việc biết mình được yêu và biết ơn cha mẹ: “Các con hãy tin rằng cha mẹ là người yêu mình nhất và có nhiều kinh nghiệm hơn mình nên hãy bộc lộ, chia sẻ tất cả những vui buồn trong cuộc đời chúng con cho các vị”. Nhưng điều quan trọng là chúng ta, những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục có thực sự là điểm tin cậy của con cái không? Chúng ta có thống nhất trong lời nói và hành động? Làm sao con gái hay con trai của chúng ta trong tuổi mới lớn có thể dễ dàng hỏi chúng ta về chuyện thay đổi tâm sinh lý của chúng, về những lạm dụng trong quan hệ bạn bè, nhất là khi chúng đã lỡ có những quyết định sai lầm, nếu trong suốt quá trình sống chúng không cảm được tình yêu gần gũi, cảm thông, tha thứ của cha mẹ?
4. Giáo dục với tình yêu thương
Trong gia đình cha mẹ nên lưu tâm giúp con nhận ra những chuẩn mực đạo đức để hình thành nơi con những thói quen tốt trong đời sống hằng ngày. Yêu thương không có nghĩa là chiều theo mọi ý muốn của con. Điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của con không phải chỉ là nói “được”, nhưng đôi khi phải biết nói “không” với chúng. Khi cha mẹ nhượng bộ sự nhõng nhẽo làm reo của chúng, chúng sẽ tự hiểu thông điệp: “Cứ làm rùm beng đi con sẽ đạt được điều con muốn.” Điều cần nhớ là tâm sinh lý của con chúng ta chưa quân bình, chúng luôn cần sự uốn nắn hướng dẫn của chúng ta theo chuẩn mực đạo đức lành mạnh.
II. GIA ĐÌNH CHIẾC NÔI SỰ SỐNG VÀ TÌNH YÊU
Khi hai người nam, nữ yêu nhau dẫn đến hôn nhân gia đình theo qui luật của Tạo Hoá, họ cùng nhau xây dựng một chiếc nôi sự sống và tình yêu cho những đứa con chào đời. Vượt qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống với những thách đố gian khổ, họ luôn cảm được hạnh phúc vô bờ khi biết tin mình được làm cha, làm mẹ. Vâng, ngay từ khi sự sống thành thai nơi tử cung người mẹ, thai nhi – người con đã thắp sáng thêm mãi tình yêu của cha mẹ. Chính tình yêu và hạnh phúc này đã là nguồn lực phong phú, mạnh mẽ, giúp cha mẹ luôn sống trong niềm hy vọng để hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong ý nghĩa này chúng ta thấy: gia đình là chiếc nôi sự sống và tình yêu; trong đó, con cái là quà tặng cho cha mẹ, là mùa xuân của gia đình.
1. Con cái là quà tặng cho cha mẹ
Một người con sinh ra trong cuộc đời, không phải là một dữ kiện thống kê, nhưng chính là món quà sự sống được trao tặng cho cha mẹ. Nói cách khác, đối với mọi người, sự sống luôn là một món quà cao quí nhất để mình được hiện hữu trong vũ trụ, giữa lòng thế giới. Hơn thế nữa, quà tặng tuyệt vời nhất của hôn nhân chính là một con người, một sự sống mới được sinh ra như kết quả tình yêu của cha mẹ. Vâng, chỉ trong tình yêu thì sự sống mới được đón nhận như một quà tặng và được phục vụ, tôn trọng như một con người.
Ngược lại, khi không có tình yêu đích thực, nhiều bậc cha mẹ đã bị cám dỗ cho rằng sự hiện hữu của đứa con không phải là một quà tặng nhưng là một gánh nặng đem đến cho họ những vất vả, mệt nhọc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Họ cảm thấy bị ràng buộc và mất mát đủ thứ: từ thời gian, sức khỏe đến tiền bạc. Họ cho rằng đứa con đã lấy đi niềm vui và hạnh phúc của họ chứ không có gì để cho họ cả; cũng như có người nghĩ rằng: thêm một con người sinh ra, trái đất hẹp lại một chút; và như thế, quyền lợi của họ bị giảm đi một phần.
Thực ra, hạnh phúc tùy theo quan điểm của mỗi người, nhưng hạnh phúc không đồng nghĩa với sự nhàn hạ, hưởng thụ và có nhiều lợi nhuận cũng như quyền lực, mà chỉ có những ai biết mở lòng ra để đón nhận người khác như một quà tặng, người đó mới được yêu thương và tôn trọng. Đó là bí quyết thể hiện tình yêu chân thành giữa vợ chồng với nhau, một tình yêu luôn nhận ra mỗi người con là một quà tặng vô giá làm tăng thêm hạnh phúc gia đình.
2. Con cái là mùa xuân của gia đình
Các bạn có cảm nhận gì khi ngắm nhìn gương mặt, ánh mắt, nụ cười, và lắng nghe tiếng nói của trẻ thơ? Tất cả vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, đơn sơ, đáng yêu của một em bé đã đem lại niềm vui cho mọi thành viên trong gia đình, qui tụ mọi người đến với nhau, vang lên tiếng cười thư giãn thoải mái. Nhiều bậc cha mẹ sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng, khi trở về nhà nhìn thấy đứa con ngây thơ dễ thương chạy ra ôm choàng lấy cổ hay sà vào lòng mình, họ cảm thấy hạnh phúc, quên hết mệt mỏi, nhọc nhằn. Quả thực, khi tiếp cận với trẻ thơ, chúng ta cũng được trẻ trung hóa trong thái độ, lời nói và cách diễn tả tình cảm. Đó là lý do để chúng ta có thể cho rằng: con cái thực sự là mùa xuân của gia đình, chúng đã đem lại cho cha mẹ một tình yêu mới, một sức sống mới, và một nghị lực mới để hoàn trọn trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Chúng ta có thể tưởng tượng về một gia đình chủ trương không sinh con, có thể thời gian đầu họ rất thoải mái, hai vợ chồng như ở trong một mùa xuân kéo dài. Đặc biệt là họ có thể tiến thân trong sự nghiệp một cách thành công tốt đẹp. Nhưng trong tình yêu chỉ qui về mình như thế, tương lai của họ sẽ ra sao khi phải đối diện với những hiểu lầm và mâu thuẫn của mùa hạ, nỗi buồn bệnh tật cô đơn của mùa thu và cảnh hiu quạnh, bế tắc của mùa đông, không có một niềm hy vọng trong cuộc sống? Giả như các bậc cha mẹ đều có những tính toán ích kỷ, không muốn sinh con, thì cộng đồng nhân loại sẽ thiếu vắng thế hệ trẻ, các gia đình sẽ mau chóng khô cằn, tan rã và hủy diệt như thế nào?
Thực ra, mỗi người có một quan điểm sống, nhưng qua những dẫn chứng trên cho thấy: những ai cố giữ lấy tuổi xuân của mình thì sẽ mất, còn ai biết hy sinh tuổi xuân của mình để xây dựng chiếc nôi sự sống và tình yêu cho con cái thì họ lại được hưởng một mùa xuân hạnh phúc kéo dài bên sức sống và niềm vui của đàn con cháu.
THAY LỜI KẾT
Sáng chiều nào cũng thế tôi đều phải thắng xe chậm lại khi đi ngang qua những trường học dọc trên đường đi. Một phút khó chịu thoáng qua đến với tôi vì sự ách tắc giao thông bởi sự đưa đón con đi học của các bậc cha mẹ. Nhưng chính trong những giây phút chờ đợi ấy, tôi đã có cơ hội chứng kiến được tình cảm linh thiêng cao quý của gia đình thật ý nghĩa biết bao đối với cuộc đời một con người. Đặc biệt là nơi các trường mẫu giáo, đứa con bé bỏng rời khỏi bàn tay ba mẹ càng ngập ngừng bao nhiêu thì ánh mắt ba mẹ lại càng xót xa bấy nhiêu. Rồi, ngắm nhìn thái độ mong mỏi chờ đợi con tan trường và giây phút gặp con với vòng tay xiết chặt của các bậc cha mẹ, tôi tự hỏi: không biết từng em bé có cảm nhận được tình như suối nguồn của ba mẹ mình không nhỉ? Hay chúng lại dỗi hờn vì bắt chúng phải đi học?
Tôi luôn ước mong rằng từng bạn trẻ tuổi mới lớn vừa thi đậu đại học hãy dành một chút thời gian yên lặng suy nghĩ lại cuốn phim cuộc đời của mình từ khi còn là bào thai và trong thời gian sơ sinh đã được ba mẹ đỡ nâng thế nào? Rồi ngày đầu tiên đi nhà trẻ, học mẫu giáo, cấp I, cấp II, cấp III. Hãy tưởng tượng lại từng ngày đưa đón của ba mẹ, từng nỗi vất vả hy sinh của ba mẹ đã lo cho mình tiền ăn, tiền học và những nhu cầu cần thiết. Cũng đừng quên nghĩ tới những giọt mồ hôi, nước mắt, đau khổ và hạnh phúc của cả gia đình đã dành trọn cho mình. Tất cả những tình tiết trong toàn bộ cuốn phim sẽ cho các bạn cảm nhận rằng tình cha mẹ như suối nguồn không bao giờ vơi cạn. Điều đó sẽ là động lực giúp các bạn biết tận dụng thời gian và tiết kiệm chi tiêu để đầu tư cho việc học tập đạt kết quả tốt đẹp hơn.
Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh
Trích từ Phạm Thị Oanh, Gia đình – mái trường thân yêu