CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Bài đọc 1: Xh 17,8-13; Bài đọc 2: 2Tm 3,14 – 4,2; Phúc Âm: Lc 18,1-8
Có người nói với tôi: “Thưa cha gia đình ông B sống trong giáo xứ bao nhiêu năm mà chẳng chịu theo đạo?”. Tôi hỏi lại: “Bạn đã bao giờ cầu nguyện cho ông ấy theo đạo chưa? Nếu không làm gì mà họ theo đạo mình cũng khó phải không?”. Cũng có người nói: “Anh C đó hay đi chơi với chúng con mà chẳng thấy theo đạo?”. Tôi nói: “Chúng con có ai cầu nguyện cho anh C theo đạo chưa mới là vấn đề?”.
Thực vậy, việc truyền giáo không dựa theo khả năng con người mà dựa vào sức mạnh của quyền năng Thiên Chúa. Chúa Giêsu khi sai 72 môn đệ ra đi thì Ngài đã nhắc các ông việc làm đầu tiên là cầu nguyện: “Các con hãy cầu nguyện xin chủ ruộng sai thợ đến gặt”. Chúa muốn nhắc chúng ta việc truyền giáo không thể dựa vào sức mình mà phải dựa vào quyền năng của Chúa. Thế nên phải cầu nguyện để ơn Chúa tác động, lôi kéo, còn mình chỉ là khí cụ nhỏ bé trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà thôi.
Vậy cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện theo thánh Augstinô là thưa chuyện với Chúa, như một người con hiếu thảo thưa chuyện với cha mẹ, hoặc như hai người bạn chân tình tâm sự với nhau.
Và cầu nguyện như thế nào?
Lời Chúa hôm nay mời gọi hãy cầu nguyện trong kiên trì và tín thác. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai kêu cầu Người, nhất là những người thấp hèn, bé nhỏ, miễn là biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa.
Bà góa mà Phúc Âm nhắc tới là một phụ nữ nghèo và “thấp cổ bé miệng”, bà ta chẳng hy vọng được xét theo lẽ công bằng. Nhưng bà có khí giới là sự kiên trì. Sự kiên trì đã đánh gục tính kiêu ngạo của ông quan, trời chẳng sợ, người chẳng nể, thế mà phải nhượng bộ xử tốt cho bà.
Việc truyền giáo cũng phải khởi đi từ lời cầu nguyện của mọi thành phần Dân Chúa. Cầu nguyện trong kiên trì để Chúa sẽ làm những điều tốt nhất cho Giáo hội của Chúa.
Mỗi năm đều tổ chức Ngày Khánh nhật Truyền giáo rất linh đình, nhưng thử hỏi con số theo đạo được bao nhiêu? Chúng ta tự hào có một lực lượng rất đông tông đồ giáo dân nhiệt thành thăm viếng, tặng quà cho anh chị em lương dân, nhưng thử hỏi được mấy người đã nhờ những cuộc thăm viếng phát quà mà họ theo đạo? Chúng ta tự hào Ðạo mình là đạo yêu thương, nhưng thử lắng nghe lương dân họ nói gì về người có đạo? Người có đạo vẫn mê tín, cuồng tín, chạy theo phép lạ chẳng khác nào thờ ngẫu tượng làm sao cho thấy Ðạo đã thay đổi con người, hay ru ngủ con người? Nơi xứ đạo đây đó vẫn còn hình ảnh tệ nạn xì ke ma túy mà không ai dám ý kiến chỉ làm ngơ cho cái xấu lộng hành?…
Thế nên, cần phải nhắc lại rằng việc truyền giáo không dựa trên con người mà là dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Các tông đồ năm xưa từng cầu nguyện và khi tràn đầy Chúa Thánh Thần họ mới ra đi loan báo Tin Mừng. Các ngài đã ra đi dưới bóng của Chúa Thánh Thần nên đã mang lại mùa xuân cứu độ trải rộng khắp mọi nơi trên địa cầu.
Thiết tưởng việc truyền giáo phải khởi đi bằng một cuộc hiệu triệu cho toàn thể tín hữu về bổn phận cầu nguyện trong việc truyền giáo. Cầu nguyện không chỉ cho có nhiều nhà truyền giáo để đến với lương dân. Cầu nguyện một cách cụ thể cho ông A, anh B mà mình quen biết được ơn trở về với Chúa. Cầu nguyện kèm theo những dịp thăm viếng chia sẻ bác ái sẽ làm cho muôn dân cảm mến Thiên Chúa và khao khát tìm kiếm Ngài. Ðó mới là cách biến mình làm khí cụ của Chúa để mang Tin Mừng đến cho mọi nơi. Ðừng nói “tại sao anh A không theo đạo?”, mà phải nói: “tại sao tôi không cầu nguyện cho anh A, người bạn thân của tôi được gặp Chúa?”. Ðó mới là cách thức truyền giáo hữu hiệu nhất.
Xin Chúa giúp mọi người luôn ý thức việc truyền giáo và sống tinh thần truyền giáo trong lời cầu nguyện và đời sống chứng nhân hằng ngày của mình.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền, GP Xuân Lộc