Thánh Gioan còn cho chúng ta thêm thông tin về gia đình ba chị em này: sau những lần thi hành sứ vụ tại Giêrusalem, Chúa Giêsu hay ghé thăm gia đình này, họ là những người bạn thân của Ngài ở làng Bêtania cách thành đô Giêrusalem không xa: “Đức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Lagiarô” (Ga 11, 5, 33; 12, 1-3).
Thánh Gioan cho chúng ta biết cô Mácta và cô Maria là hai người chị của anh Lagiarô Chắc có lẽ Lagiarô hôm đó vắng nhà hay đi đâu đó nên không dự phần vào câu chuyện. Thánh Gioan còn mô tả hai cách tiếp đón Chúa Giêsu của hai chị em tương tự như thánh Luca: trong bữa ăn thiết đãi Đức Giêsu ở làng Bêtania, cô Mácta lo hầu bàn, còn cô Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu, lấy dầu thơm quý giá mà xức chân Ngài (Ga 12, 2-3).
Thánh Luca kể cho ta nghe về cách đón rước Chúa Giêsu của hai chị em Mácta và Maria. Cả hai người phụ nữ này đều rất yêu mến và quí trọng Chúa Giêsu. Cả hai đều muốn dành cho Chúa Giêsu những giờ phút thoải mái, dễ chịu nhất tại nhà họ. Cô chị thì chuẩn bị cơm nước, nhưng cô quá lăng xăng và lo lắng khiến tâm hồn mất bình an trước sự có mặt của vị khách quý. Cô em thì dành cả thời gian và tâm trí cho vị thượng khách khi cô ngồi nghe Chúa Giêsu nói và nuốt từng lời của Ngài.
Hai cách đón tiếp xem ra quá trái ngược nhau: một bên bận rộn chuẩn bị nhiều thứ, còn một bên chỉ ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe. Câu trả lời của Chúa Giêsu đáp lại lời phàn nàn của bà chị Mácta có vẻ như cho chúng ta đáp số về cách tiếp đón nào là cách Chúa muốn: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy ổn với câu trả lời của Chúa Giêsu và vẫn đặt lại câu hỏi khi nghe đoạn Tin Mừng hôm nay: Có phải Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe Lời Chúa hơn là bận rộn lo lắng chuẩn bị nhiều việc khác nghĩa là Người loại trừ hay coi thường công việc tiếp đón của bà Mácta?
Câu chuyện này dạy cho chúng ta một bài học: điều Thiên Chúa muốn, không phải là chúng ta làm cho Ngài điều này điều nọ mà là để Ngài giáo huấn chúng ta, để chúng ta được biến đổi nhờ những lời giáo huấn ấy. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi: biết lắng nghe Lời Chúa.
Thật ra Chúa Giêsu không xem nhẹ việc phục vụ, vì chính Người đã dạy các môn đệ: Người lãnh đạo là người phục vụ anh em, và chính Người đã ở giữa các môn đệ như một tôi tới phục vụ (Lc 22, 24-27). Câu trả lời của Chúa nhằm nhắc nhở Mátta, như một người môn đệ, việc lắng nghe Lời Thầy của mình là quan trọng nhất.
Lòng mến của hai chị em đối với Thầy Giêsu có thể như nhau, nhưng cách quan tâm đến lời dạy của Người thì có khác nhau. Maria, như một môn đệ, khao khát lắng nghe và ngồi bên chân Chúa diễn tả lòng khao khát và sẵn sàng vâng theo lời dạy. Còn Mátta, quá bận rộn, bị chia trí với những công việc mà bà nghĩ là cách tiếp đón Chúa tốt nhất của một người chủ nhà chứ không phải của người môn đệ lắng nghe dù bà đang gọi Chúa Giêsu là Thầy. Mátta trong khung cảnh này đã xác định sai, và Chúa Giêsu đã hướng bà về điều cần trong lúc này.
Thật ra mà nói cả công việc phục vụ của cô Mácta và nơi việc lắng nghe lời Ngài của cô Maria hai cách thế hiện diện không thể thiếu được của Giáo Hội trong cuộc sống tại thế: đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Trong hai công việc đó, việc “Ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Ngài” phải là ưu tiên, bởi vì việc lắng nghe Lời Chúa khơi nguồn và định hướng cho mọi công việc phục vụ của Giáo Hội. Trong Tin Mừng của mình, thánh Luca thường ghi nhận rằng ngay từ sáng sớm Chúa Giêsu một mình đi vào nơi thanh vắng để trò chuyện với Chúa Cha trước khi bắt đầu một ngày mới bận rộn với sứ vụ của mình.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đã không bao giờ coi thường công việc phục vụ. Chính Ngài đã công bố về sứ vụ của mình: “Con Người đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ”. Khi các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai trong nhóm họ là người lớn nhất, Chúa Giêsu căn dặn các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 24-27).
Điều Ngài quở trách cô Mácta không phải vì cô quan tâm phục vụ Ngài cho thật chu đáo và nồng hậu, nhưng vì cô để hết cả tâm trí vào việc phục vụ đến mức xao lãng một hình thức tiếp đón khác: ngồi hầu chuyện với khách mời của mình, đó mới là điều quan trọng bậc nhất trong trường hợp này, bởi vì lời mà cô Maria lắng nghe chính là Lời Thiên Chúa. Giáo huấn này được xác minh sau này khi Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm…Hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12, 29-31).
Phải đặt ưu tiên cho một chuyện cần thiết duy nhất: lắng nghe Lời Chúa. Cũng chính thánh Luca trong sách Công Vụ tường thuật rằng chính vì mối bận tâm đặt ưu tiên cho việc phục vụ Lời Thiên Chúa mà nhóm mười hai Tông Đồ thiết lập nhóm Bảy người: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6, 2-4).
Ta khám phá ra Chúa Giêsu là Đấng nào qua cách đón rước của hai người phụ nữ làng Bêtatia. Có thể nói cách Mácta đón rước Chúa Giêsu mới chỉ là cách đón rước Chúa với tư cách là một người bạn thân. Còn cách đón rước Chúa Giêsu của Maria mới là cách đón rước Chúa với tư cách Chúa Giêsu chính là Lời, là Sứ giả của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa! Một cách đón rước chỉ mang chiều kích con người và một cách đón rước mang chiều kích Thiên Chúa.
Có khi ta có quá bận tâm làm việc đến độ quên đi lý do tại sao ta làm việc. Ta có thể quá bận tâm đến đời sống đến độ quên đi mục đích của đời sống. Ta có thể quá bận tâm theo đuổi những gì có thể mua được bằng tiền bạc mà quên đi những gì tiền bạc không thể mua được.
Đó là một loại sai lầm mà cô Mácta đã vấp phạm trong Trang Tin Mừng hôm nay. Cô quá bận tâm đến việc nấu nướng cho Chúa Giêsu đến độ cô quên đi lý do tại sao Chúa đến nhà cô. Người đến không vì miếng ăn; Người đến vì tình bạn.
Trang Tin Mừng hôm nay là một lời mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy dừng lại ở dưới chân Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện, cũng như cô Maria đã làm trong Tin Mừng.
Cả hai chị em đều có đức tính đáng khen, cả hai đều yêu kính Thầy và ước ao được làm vui lòng Thầy. Nhưng trong dịp này vì lòng nhiệt thành phục vụ, Mácta đã làm quá nhiều để sửa soạn một bữa ăn ngon lành. Còn Maria thì nhạy cảm hơn vì nhận ra được điều Chúa muốn để rồi mãi ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Cô biết Ngài mong ước được mạc khải chính mình, muốn ban cho họ những sứ điệp từ trời, không phải vì lợi ích cho Ngài, mà vì phần rỗi của nhân loại. Bởi vậy, theo nghệ thuật tiếp khách, cô phải để ý đến ý muốn của vị khách trước, phải lắng nghe người khác nói. Trong việc tiếp đãi Thầy, cô đã làm được việc lớn hơn chị cô.
Lời Chúa hôm nay được gói gọn trong lời này: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Huệ Minh