Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.
Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ (x. 5,30.33 6,1). Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nòng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến Lời Ngài.
Ta thấy rất cẩn thận, trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đi lên ngọn núi và cầu nguyện: Chúa Giêsu là một người thường xuyên cầu nguyện (x. Lc 5,16; 6,12; 9,18.28.29; 10,21; 11,1.22.32.40-46; 23,34.46). Ngài cầu nguyện tha thiết trong những lúc quan trọng (x. 3,21; 9,28-29; 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện “suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm là hết sức quan trọng. Quan trọng đối với sứ vụ của Ngài và quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu rỗi.
Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn các tông đồ là vì thế, vì sứ vụ phục vụ này. Bởi Chúa hiểu, các tông đồ cũng chỉ là những con người mỏng dòn yếu đuối, cũng bị chi phối bởi tham sân si, và cũng phải đối diện với bao cám dỗ bởi danh vọng, tiền tài, và trong con người của các ông cũng đầy những tham vọng, định kiến.. Chúa cầu nguyện để các môn đệ không đánh mất căn tính của mình trước những cám dỗ của thế gian, để Giáo Hội mà các môn đệ là nền móng luôn là dấu chỉ của vui mừng và hy vọng. Người ta tìm thấy nơi Giáo Hội sự phục vụ chứ không là cai trị bởi quyền lực trần thế, tìm thấy lòng thương xót của người cha đầy bao dung, chư không là thẩm phán án đầy nghiêm khắc.
Thánh Luca trình bày việc tuyển chọn các Tông đồ của Chúa Giêsu là việc hệ trọng và Ngài đã phải cầu nguyện suốt đêm. Đây không phải là lần duy nhất Chúa Giêsu cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là thói quen của Chúa, nhất là trước những việc hệ trọng trong sứ vụ công khai của Người. Từ đó cho thấy, dù là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu vẫn phải cầu nguyện và Ngài ý thức rõ chỉ có cầu nguyện mới giúp Ngài chu toàn sứ vụ mà Chúa Cha trao phó. Noi gương Chúa Giêsu, người Kitô hữu cũng phải cầu nguyện để thờ phượng Thiên Chúa, khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn nơi bản thân biết chạy đến với Chúa để đón nhận sức sống và tìm biết ý Chúa trong mỗi công việc nhất là những việc quan trọng
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.
Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.
Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, hoặc “Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.
Từ những con người tính cách khác nhau, lập trường chính trị đối lập nhau, các tông đồ đã được Chúa huấn luyện trở thành những sứ giả của đem Tin Vui cho thế giới. Tin Mừng của Chúa xoá đi mọi bức tường ngăn cách để hình thành một thế giới bao dung, tha thứ và thương xót.
Nghĩ việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho ta.
Huệ Minh