“Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh chê chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được. (Mt 6:24)
Hoặcnghiêm khắc hơn:
“Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6: 24)
Lời Chúa trên đây, về một phương diện, đã chỉ cho chúng ta mối hiểm nguy của lòng tham mê tiền của, chuộng giàu sang, phú quý ở trần gian này.
Nhưng thực sự có phải Chúa lên án những người giàu có – và như vậy – có nhiều tiền của là một cái tội hay sao?
Chắc chắn không phải vậy. Điều Chúa muốn nói với các môn đệ xưa và mọi người chúng ta ngày nay, là ta không được coi tiền của ở thế gian này trọng hợn phú quí giàu sang trên Nước Trời. Và nếu có may mắn được giàu có, thì hãy khôn ngoan mà biết dùng tiền của để “mua” hạnh phúc đời đời, bằng cách thực thi bác ái cách quảng đại để thương giúp, chia sẻ với những ai kém may mắn, thiếu thốn hơn mình, vì Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi những người nghèo đói, rách rưới, cô đơn, ốm đau, bị tù đày và đang chờ chúng ta mở lòng thương cứu giúp .(Mt 25: 31-46)
Phúc Âm Thánh Luca, kể lại cho chúng ta dụ ngôn về một người giàu có bị phạt trong âm phủ trong khi người nghèo La-za-rô được lên Thiên Đàng chung vui hạnh phúc với Tổ phụ Abraham. Người giàu bị phạt không phải vì tội giàu có, mà bị phạt vì đã không thương bố thí tí gì cho người nghèo La-za-rô hàng ngày ngồi ăn xin ở cửa nhà mình. (Lc 16).
Như thế, đủ cho thấy rõ là nếu giàu có mà không có bác ái đi kèm thì sẽ trở thành ích kỷ và vô cảm (insensitive) trước sự đau khổ của biết bao người xấu số, nghèo đói, bệnh tật đang mong muốn được cưu mang, giúp đỡ vì lòng nhân đạo.
Là người tín hữu Chúa Kitô, hơn ai hết, chúng ta được mời gọi thực thi đức tin bằng đức ái, hay nói khác đi, bác ái là thước đo đức tin của mỗi người chúng ta theo lời Thánh Giacô-bê Tông Đồ dạy như sau:
“Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không có hành động theo đức tin thì nào có ích gì?… Giả sử có người anh em hay chị em không có cái áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: “hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì?” (Gc 2:14-16).
Như thế, đức tin phải được thể hiện cụ thể bằng đức ái nồng nàn.
Sống trên trần gian này, không ai ngây thơ, hay thiếu thực tế mà cho rằng tiền bạc và phương tiện vật chất là không cần thiết. Ngược lại, trong giới hạn chính đáng của nó, chúng ta cần có tiền, có nhà ở, xe cộ làm phương tiện di chuyển để sống một đời sống phù hợp với nhân phẩm. Chúa không cấm chúng ta tìm tiền của, để sử dụng cho những nhu cầu chính đáng ấy của bản thân và cho gia đình.
Nhưng là người tin có Thiên Chúa, tin có hạnh phúc đời đời trên Thiên Quốc, thì ưu tiên phải là tìm kiếm Thiên Chúa và Vương Quốc hoan lạc của Người. Đó mới chính là nơi, mà người tín hữu chúng ta phải ưu tiên đầu tư tâm trí, thì giờ và tài năng để “sắm lấynhững túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng ở trên trời, nơi trộm cướp không bén bảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12: 33). Do đó, nếu không lo tìm kiếm sự sang giàu, phú quí của Nước Trời mà chỉ lo tìm kiếm của cải, tiền bạc chóng qua ở trần gian này, thì người ta sẽ dễ dàng đi đến chỗ tôn thờ tiền bạc, làm nô lệ cho của cải vật chất, hơn là tôn thờ Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi giàu sang, và vinh phúc mà chính Chúa Giêsu “Người vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” (2 Cor 8: 9)
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, từ khi sinh ra trong hang bò lừa, cho đến ngày chết tất tưởi không một mảnh vải che thân trên thập giá, đã dạy cho chúng ta một bài học đích đáng về sự hư vô của mọi vui thú và giàu sang trong trần thế này.
Vậy mà người ta – người có đức tin cũng như kẻ vô tín ngưỡng – vẫn nô nức nhau đi tìm tiền của bất chấp mọi nguyên tắc công bình nhân đạo và bác ái để miễn sao có được nhiều tiền thì thôi. Hãy nhìn xem những kẻ đang kiếm tiền, làm giầu bằng kỹ nghệ cờ bạc, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em cho bọn người vô luân, vô đạo, môn đệ của Satan, đi tìm thú vui dâm ô vô cùng khốn nạn này ở khắp nơi trên thế giới hiện nay. Phải nói qủy satan đang thống trị bọn người môi giới để bán và mua thú vui cực kỳ nhơ bẩn và tội lỗi này; kể cả những kẻ đang khai thác kỹ nghệ sản xuất phim ảnh, sách báo khiêu dâm để đầu độc hàng triệu người lớn và trẻ em chỉ vì mục đích tìm tiền để làm giầu cách vô luân và vô đạo.
Người đời không có niềm tin thì sống như vậy, còn người tín hữu Chúa Kitô, thì sao?
Chúng ta có sống khác với những người không có đức tin hay cũng đồng lõa với họ trong việc mưu tìm tiền của và làm giầu cách phi pháp, vô đạo?
Thực tế đáng buồn đã cho thấy là, cũng vì tham tiền cách bất chánh, mà rất nhiều tín hữu đã làm những nghề hay dich vụ không phù hợp với đức tin Công giáo, như giúp người khác khai gian để lấy tiền bồi thường của bảo hiểm trong những vụ tai nạn xe cộ, hoặc buôn bán những sách báo, phim ảnh dâm ô, đồi trụy, làm hàng giả bán để kiếm tiền và làm hại người tiêu thụ. Đặc biệt là lén lút trồng cây thuốc phiện cần sa dưới nhãn hiệu “trồng và tưới cỏ”, để làm giầu cho mình và làm hại biết bao người khác.
Chắc chắn, khi làm những nghề hay dịch vụ nói trên để kiếm tiền, người ta đã quên mất địa vị và bản chất của mình là người tín hữu Chúa Kitô đòi hỏi phải tránh dịp tội cho mình và cho người khác. Tệ hại hơn nữa là có nhiều người công giáo ngày nay không có giờ để cầu nguyện, đi tĩnh tâm, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng quanh năm, nhưng lại có dư ngày giờ để đi đến các chỗ ăn chơi, nhảy nhót hoặc chui vào các sòng bạc, casino lớn nhỏ, với hy vọng kiếm tiền cách bất lương, vô đạo, vì cờ bác là một tội lớn nghịch điều răn thứ Bảy và Mười mà người Công giáo phải tuân giữ cùng với các giới răn khác cho được ơn cứu độ.
Đó là về phía người giáo dân, còn linh mục, tu sĩ thì sao?
Thực là điều đáng buồn phải nói rằng cũng vì thích tiền, mê của cải vật chất hơn yêu mến Chúa Kitô và Phúc Âm sự Sống của Người, nên một số giáo sĩ, tu sĩ đã bất chấp luật công bằng và lương tâm để ăn cắp tiền của nhà Dòng, Nhà xứ và cả tiền của quỹ từ thiện, quỹ bảo trợ và xây cất Tu Viện, nhà thờ… để đi xây “tổ ấm” riêng, gây thiệt hại cho nhà Dòng, nhà xứ liên hệ, tạo gương mù cho giáo dân và tai tiếng cho hàng giáo sĩ nói riêng và cho Giáo Hội nói chung!
Xưa Giuđa đã bán Chúa cũng chỉ vì mê tiền của hơn yêu mến Thầy.
Chính vì hấp lực của đồng đôla, mà có người đã giả tàn tật, ngồi xe lăn để đi xin tiền; cũng như đã làm giả giấy giới thiệu của Bề Trên để xin tiền bỏ vào túi tham của mình. Lại nữa cũng với danh nghĩa xây nhà hưu dưỡng, nhà cho trẻ mồ côi, tàn tật, người ta đã quyên góp được biết bao nhiêu tiền. Nhưng cho đến nay các cơ sở này đã thành hình ở trong và ngoài nước chưa? để giúp ích cho các đối tượng được mượn danh nghĩa để đi quyên góp tiền bạc ở nhiều nơi? Hay tiền đó rút cuộc lại vào túi người đứng ra tổ chức và quyên góp mà không ai có thể biết được là bao nhiêu?
Chưa hết, còn nạn một số linh mục (Dòng và Triều) thường tổ chức mừng kỷ niệm thụ phong hay khấn Dòng để lấy tiền mừng. Theo truyền thống xưa nay trong Giáo Hội, thì người ta chỉ tổ chức mừng Ngân khánh (25 năm); Kim khánh (50 năm) và Ngọc khánh (60 năm). Việc này rất tốt và đáng duy trì để cảm tạ Chúa, đã cho mình được phục vụ Chúa và Giáo Hội lâu năm trong ơn gọi tận hiến.
Tuy nhiên đừng mượn cơ hội này để kiếm tiền như một số linh mục đã làm và chắc còn làm trong tương lai. Đó là những người mới có 1 năm, 10, 15 , 20 năm đã tổ chức mừng không phải chỉ trong Thánh lễ ở nhà xứ mà còn ra nhà hàng, restaurant để lấy tiền mừng của hàng mấy trăm người, có khi cả ngàn người được mời đến tham dự! Những người thân quen được mời đã đành, nhưng có những người không mấy quen biết cũng được mời cho đông nên người ta đã ta thán rằng “mình đâu có quen biết cha đó mà sao cũng được mời!”
Hãy đặt mình vào địa vị những người, mỗi tuần nhận được 2, 3 thiệp mừng đám cưới lại thêm thiệp mừng thụ phong của linh mục nào nữa thì họ sẽ xử trí ra sao? Và nếu họ phải đi tham dự thì lòng họ có vui khi phải chi ra những món tiền ít nhất là 50 dollars cho mỗi dịp như vậy?
Như thế, linh mục có nên mượn dịp thụ phong 1 năm 10 năm, 15 năm, 20 năm, 25 năm, 35 năm hoặc 40 năm để tổ chức linh đình tại nhà hàng với rất nhiều người được mời để kiếm tiền mừng hay không?
Đố có ai dám tổ chức và từ chối tiền mừng của người tham dự. Nếu làm được như vậy thì tha hồ tổ chức, mỗi năm một lần cũng không sao!
Sau hết, lại còn chuyện khôi hài nữa là một vài linh mục còn tổ chức sinh nhật (birthday) của mình và gửi thiệp mời giáo dân tham dự để làm gi???.
Đức Thánh Cha và các Giám mục giáo phận có ai làm chuyện lố lăng này đâu, mà sao mấy ông linh mục kia lại làm để gây phiền phức cho giáo dân và người quen bất đắc dĩ phải tham dự và có quà mừng.
Tóm lại, Linh mục và tu sĩ (những người có lời khấn Dòng) phải sống và làm gương khó nghèo của Phúc Âm cho giáo dân. Nếu cũng tham lam của cải trần gian để đi đến chỗ ăn cắp tiền (số tiền không nhỏ) của Nhà Dòng, Tu Hội hoặc giáo xứ thì còn dạy dỗ ai về đức công bằng và thuyết phục được ai sống tình thần khó nghèo của Chúa Kitô nữa?
Giàu có, tự nó, không phải là một tội phải tránh để cho được đẹp lòng Chúa. Nói khác đi, có tiền của, và nhiều phương tiện vật chất như nhà ở, xe tàu, ruộng đất v.v mà biết dùng những phương tiện này vào những mục đích tốt cho mình và cho người khác thì lại là điều đáng khen ngợi và đề cao. Nói được như vậỵ, là vì cuộc sống con người nói chung và hoạt động của Giáo Hội nói riêng, đều cần có tiền cho những nhu cầu chính đáng phải thỏa mãn như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men khi đau yếu, phương tiện di chuyển, xây cất và bảo trì cơ sở thờ phượng và đi rao giảng Tin Mừng. Cho nên, nếu nói không cần tiền và phương tiện vật chất, chỉ cần tinh thần thôi thì quả là không thực tế hay ảo tưởng.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu phải nói những lời trên đây với các môn đệ khi đó và với mọi người chúng ta ngày nay?
Chắc chắn Chúa không lên án người giàu có chỉ vì ho có nhiều tiền của. Chúa cũng không dạy phải chê ghét tiền của và mọị tiện nghi vật chất như nhà ở, xe cộ, máy móc, điện thoại, và những tiện nghi của đời sống văn minh ngày nay.
Điều Chúa muốn nói và dạy chúng ta phải thực hành là không được yêu thích tiền của đến nỗi làm nô lệ cho nó, khiến quên lãng mục tiêu quan trọng hơn là tìm kiếm sự giàu sang và hạnh phúc bất diệt trên Nước Trời. Mê tiền của sẽ làm mù tối lương tâm của mọi người kể cả linh mục và tu sĩ, khiến coi việc ăn cắp, gian dối, lường gạt là vô hại cho phần rỗi của mình.
Tóm lại, mê tiền của sẽ là trở ngại lớn lao cho những ai muốn sống công bình và bác ái để chứng minh đức tin bằng việc lành cụ thể, vì đức tin mà không có việc bác ái đi kèm là đức tin chết theo lời dạy của Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ. (Gc 2: 26 )
LM Phanxicô Xaviê Ngô tôn Huấn