7 yếu tố giúp nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình

husband and wife - 7 yếu tố giúp nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình

Nàng đã ôm chàng thật chặt, và họ quyết định lấy nhau. Mười lăm năm sau, cũng một đêm trăng, cả hai cùng nghỉ ngơi và thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nàng như muốn ôn lại kỷ niệm xưa những lúc bên chàng dưới ánh trăng thơ mộng. Nàng quay lại hỏi chàng: “Anh ơi, tại sao trăng đêm nay mờ thế ?”. Chàng im lặng không trả lời, nàng hỏi thêm một lần nữa cũng không thấy chàng phản ứng gì. Nàng lại tiếp tục kiên trì lay lấy tay chàng mà hỏi: “Chàng ơi, tại sao trăng đêm nay mờ thế ?”. Chàng cộc cằn trả lời: “Không thấy trời chuyển mưa à, dọn đồ về”.

Chúng ta thấy rằng chỉ trong vòng hơn mười năm mà tình yêu của họ đã biến chuyển rất sâu xa: từ thái độ, lời nói đến hành động. Chúng làm ô nhiễm môi trường gia đình hầu mưu toan đe dọa đến niềm hạnh phúc của từng thành viên muốn sống yêu thương. Thay vì bài viết đi tìm nguyên nhân của những đổ vỡ trong đời sống này, chúng ta lại bàn đến những yếu tố giúp nuôi dưỡng và thăng tiến đời sống như hướng khắc phục cho những nguyên nhân chìm sâu trong từng yếu tố được bàn đến.

1.Chăm sóc sắc đẹp:

Không phải chỉ có phụ nữ được quyền làm đẹp. Nam giới cũng cần “trang điểm” để thu hút bạn khác giới. Đó là cách họ chăm sóc và yêu thương bản thân. Thông thường chúng ta nghĩ rằng chỉ cần chăm sóc sắc đẹp khi lúc mới yêu nhau để chiếm trọn tình yêu của người bạn đời. Thật ra, đó chỉ là bước đầu, vì lấy nhau thì dễ, giữ nhau mới khó; mà một trong những cách giữ lấy tình yêu là chăm sóc bản thân.

Ngay cả Thị Nở cũng có một nét nào đó quyến rũ Chí Phèo. Mỗi chúng ta đều có mặt nổi và mặt mạnh để giữ lấy tình yêu. Đôi khi cần biết xem nàng thích mình vì điểm gì để chàng không ngừng phát huy ưu thế đó. Cũng vậy, nàng cần biết rõ điểm nào bản thân đã chiếm được trái tim chàng, để từ đó, nàng cần “tô điểm” cho chúng hoàn mỹ hơn.

Làm đẹp không đồng nghĩa với việc chờ người khác khen tặng, nhưng là dấu chỉ biểu hiện niềm tôn trọng người khác và bạn đời của mình. Có những ông chồng không dám giới thiệu vợ mình với đám bạn chỉ vì nàng quá xuề xòa. Dần dà, nàng bị “mất điểm” trước mặt chàng, và đó là bước đầu cho những cuộc tình tay ba. Còn về phái mạnh, họ cũng cần làm đẹp theo nghĩa, tạo nên phong cách chững chạc và thần thái đĩnh đạc, khiến người phối ngẫu cũng được nở mặt nở mày. Có thế, một gia đình biết làm đẹp sẽ tô điểm và làm giàu cho nhau về mọi phương diện trong từng khoảnh khắc cuộc sống.

2.Bữa cơm gia đình:

Trong thời hiện đại mà người ta chạy đua với thời gian để vật lộn với cuộc sống, bữa cơm gia đình bị coi như một yếu tố xa xỉ. Chúng được thay thế bằng các món ăn nhanh, có thể nó đảm bảo chất dinh dưỡng cho cơ thể cách nào đó nhưng con người không chỉ sống dựa vào vật chất. Thật vậy, vật chất giúp duy trì và phát triển cơ thể nhưng tinh thần mới giúp triển nở và tươi mới tình yêu mà bữa cơm gia đình sẽ giúp từng thành viên hiểu nhau hơn và bồi đắp những gì còn thiếu sót để điều chỉnh kịp thời, vì cuộc sống luôn có những bất ổn mà giờ cơm là cơ hội tốt giúp mọi người xích lại gần nhau. Có những lúc tôi phải chết sặc vì nghe những chuyện tiêu cực về nhau nhưng gói gém những tâm tình chân thật. Cũng có những lúc tôi cười phá tiếng vì tiếp nhận một cơ hội hay thành công của một người trong gia đình. Bữa cơm là một dịp khai mào hữu ích hứa hẹn cho những lần gặp gỡ thân tình sau đó.

Thử hỏi: Tại sao bữa cơm gia đình không lo dùng cơm mà lại chia sẻ chuyện này chuyện nọ ? Thưa: xét tâm lý chung, chỉ khi nào đã được thỏa mãn nhu cầu vật chất và thể lý, con người mới dễ dàng bộc lộ những tâm tình bên trong nhờ đó, mà mọi thành viên sẽ hiểu nhau hơn. Ý thức giá trị của việc làm này mà Đức Phanxicô khuyên mọi người khi dùng bữa hãy tắt nguồn điện thoại và giảm thiểu hết mọi tác động của truyền thông.

Có người chồng kia làm việc ngoại giao, anh không thể sắp xếp dùng bữa với vợ con, đúng hơn, anh đã chán dần vì những bữa ăn quá đạm bạc thay vào đó, là những bữa ăn thịnh soạn với khách hàng. Người vợ không nản chí, nàng đã cập nhật nhiều món ăn mới và học bày biện trông rất đẹp mắt để lôi kéo sự quan tâm của chàng, và rồi, nàng đã thành công không những giúp chàng có những món ăn bảo đảm chất lượng và hợp vệ sinh mà còn giúp mọi thành viên trong gia đình gắn kết lại hầu dễ dàng chia sẻ bữa ăn cũng như những vui buồn và dự phóng của nhau. Nhờ đó, mọi thành viên ý thức hơn về tính liên đới và tình hiệp thông, nghĩa là vui buồn của con cái cũng là nỗi niềm của cha mẹ hay những dự phóng và ước muốn của cha mẹ cũng là thao thức của các con.

3.Tính hài hước và tiếng cười:

Thánh Têrêsa Calcutta đã có lý khi nói: Con người thời đại không còn giờ để nhìn mặt nhau và trao nhau một nụ cười. Trong một lần phỏng vấn, có người hỏi mẹ: Làm sao để gia đình hạnh phúc ? Mẹ đã trả lời cách đơn giản: Hãy tập cười với mọi người trong gia đình. Điều này xem ra không mất thời gian và tiền bạc nhưng để có thể cười, người ta phải tập bỏ bớt tính quy ngã hầu hướng về người đối diện với sự quan tâm tế nhị. Đôi khi một nụ cười không được đón nhận lại trở nên lạc điệu trong một thế giới vô cảm, vô tâm và vô tình.

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ; nhưng một khi con người xem nhẹ giá trị nụ cười, họ lại lo quay quắt vì những chứng bệnh tâm lý như: sầu muộn, căng thẳng, trầm cảm…Khi ấy, họ có uống mười thang thuốc bổ cũng chỉ làm họ bổ ngửa vì cơ thể không thể tiếp nhận mức tối thiểu là một nụ cười và sự quan tâm của người xung quanh.

Trong khi thích xem các chương trình của những danh hài, chúng ta lại đánh giá thấp những câu nói hài hước từ các thành viên trong gia đình. Điều này gây nên một làn sóng ảm đạm và ngột ngạt trong gia đình. Nếu những câu nói từ miệng các danh hài mang lại nét tươi vui và sảng khoái cho bản thân thì việc bạn lắng nghe và tiếp nhận những nét hài hước (mặc dù ngây ngô) của các thành viên trong gia đình lại là một khích lệ rất đáng kể, chúng như một lời tán thưởng giúp mọi người tích cực xây dựng hạnh phúc gia đình hơn.

Ngoài ra, nét vui cười và tính hài hước còn giúp mỗi thành viên đánh tan những nét đơn điệu và tầm thường hằng ngày mà thay vào đó bằng cách tăng thêm sức mạnh và nạp những năng lượng tích cực giúp vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Và trong tông huấn về việc nên thánh “Các con hãy vui mừng hân hoan”, Đức Phanxicô đã khẳng định rằng niềm vui Kitô giáo thường đi kèm với một cảm thức hài hước. Qua đó, vị Giáo Hoàng dòng Tên muốn đề cao cảm thức hài hước như một cách diễn tả niềm vui của mỗi Kitô hữu, từ đó, mỗi thành viên giúp xây dựng niềm vui bền vững trong hạnh phúc gia đình.

4.Sự quan tâm:

Trong tác phẩm Sức mạnh tình bạn, tác giả Alan Loy Mcginnis đã chia sẻ một câu chuyện thú vị:

Tôi đã có cuộc trò chuyện với một người đàn ông đang có sự rạn nứt trong quan hệ vợ chồng sau 18 năm chung sống.

– Làm thế nào mà anh biết được rằng cuộc hôn nhân này đã đến hồi kết thúc? – Tôi hỏi.

– Khi cô ấy ngưng không nặn kem đánh răng lên bàn chải của tôi vào mỗi sáng nữa. – Ông ấy trả lời.

– Cái gì cơ ? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại. – Khi chúng tôi mới cưới nhau, người nào dậy trước sẽ nặn kem đánh răng cho người kia và để nó trên chậu rửa mặt. Đến bây giờ, chúng tôi đã không còn giữ được thói quen ấy nữa, và cuộc hôn nhân của chúng tôi đã trở nên xấu đi kể từ đấy. Đôi khi, hạnh phúc rạn nứt chỉ bởi những lý do hết sức buồn cười như thế. Nhưng những cử chỉ nhỏ nhặt đó lại thật sự quan trọng, vô cùng quan trọng nữa là đằng khác. Nếu thiếu những cử chỉ âu yếm như thế, tình yêu sẽ khô cằn và chết dần. Tất nhiên, việc không nặn kem đánh rang lên bàn chải cho bạn đời của mình chỉ là biểu hiện trước mắt, điều này kéo theo những chuyện lớn hơn, chúng làm bằng chứng cho sự thiếu quan tâm và chăm sóc người yêu.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng việc ai nấy lo, nhưng lại mất đi tính hỗ tương và sự quan tâm tế nhị lẫn nhau. Thay vì vợ dưới bếp rửa chén, bạn ở sân nhà rửa xe, bạn hãy đi vào bếp giúp nàng tráng chén và úp vào đúng chỗ của nó. Chắc hẳn, nàng sẽ có sáng kiến cầm vòi xịt nước cho bạn rửa xe. Như thế, cả hai việc đều hoàn thành nhưng trong tình liên đới và yêu thương. Quả thật, khi yêu nhau thực sự, họ tìm cách làm đẹp lòng nhau và luôn tạo ra những sáng kiến giúp nhau hoàn thành tốt vai trò làm chồng/vợ và cha/mẹ.

5.Tôn trọng không gian riêng:

Có một câu chuyện kể về những chú nhím. Khi ở trong rừng, lúc đầu chúng đứng cách xa nhau. Đêm về trời lạnh, chúng chợt nhận ra rằng nếu đứng gần nhau thì con nọ sẽ tỏa hơi ấm cho con kia. Và thế là chúng xích lại gần nhau. Tuy nhiên, khi đứng sát vào nhau, chúng chợt nhận ra rằng chúng đang tự làm đau nhau bởi con nào cũng có những gai nhọn. Chính vì lẽ đó, chúng ta có thể rút ra một bài học: Cần đứng đủ gần để nhận hơi ấm từ nhau nhưng cũng phải đứng đủ xa để không làm tổn thương nhau.

Trong tình yêu cũng vậy, người này cần tôn trọng không gian của người kia, có thế, mỗi người dễ dàng sống với những sở thích riêng mà không bị ai ràng buộc. Và nhờ đó, họ sẽ là chính mình hơn. Nếu không hiểu thấu chân lý này, người khác có thể xem đây là cách sống tình yêu vị kỷ nhưng thực ra, nó là “lối thoát hiểm” an toàn trong tình yêu. Thật vậy, một khi tôn trọng qui tắc này chúng sẽ giúp đôi bên tránh bị cám dỗ muốn kiểm soát người kia. Vì khi bắt người khác phải thế này, thế kia, vô hình trung, họ tạo nên một không gian ngột ngạt như chim nhốt trong lồng, một khi nó thoát được nó sẽ bay luôn và không bao giờ trở lại. Để tránh khuynh hướng tai hại này, đôi bên cần cởi mở và khuyến khích họ mở rộng hơn nữa các mối tương giao trong cuộc sống.

6.Lắng nghe:

Nhà tư tưởng Paul Tillich đã tuyên bố: “Nghĩa vụ đầu tiên của tình yêu là lắng nghe”. Khi nói đến nghĩa vụ, chúng được hiểu như một đòi buộc thiết thực. Ở đây, trong tình yêu, lắng nghe không chỉ là một đòi buộc mà còn là niềm vinh dự cho người khát mong xây dựng hạnh phúc gia đình. Nói cách khác, lắng nghe là cách diễn tả sống động của những người đang yêu.

Một người đàn ông đã kể lại kinh nghiệm của mình. Anh đã có một thời hạnh phúc bên người yêu, khi tình yêu vừa chớm nở và thời gian đầu sau khi cưới nhau. Sau khoảng thời gian lãng mạn đó, họ thường cãi vã, giận hờn, thậm chí coi thường lẫn nhau. Đứng trước nguy cơ đổ vỡ, anh tìm đến một vị thầy khôn ngoan để xin lời khuyên.

Vị thầy chăm chú lắng nghe anh thổ lộ, sau đó nói: “Anh phải học cách lắng nghe vợ của anh”.

-Nghĩa là sao, thưa thầy ?

-Trong mọi lúc, anh đừng quan tâm mình phải nói gì, nhưng hãy nghe và ghi nhớ mọi điều vợ anh nói.

Tháng sau anh trở lại với niềm hân hoan vì đã hoàn thành xuất sắc bài tập. Anh kể chi tiết cho vị thầy nghe những điều vợ anh nói. Vị thầy tỏ vẻ hài lòng, cười và nói với anh: “Bây giờ anh hãy về nhà và lắng nghe từng lời mà vợ anh không nói ra”.

-Nghĩa là…?

-Còn biết bao điều vợ anh nói bằng ngôn ngữ không lời, anh hãy lắng nghe những điều đó !

Và anh đã phải căng mắt, căng tai, căng lòng để đọc được ngôn ngữ không lời ấy, là loại ngôn ngữ được gói gém trong những cử chỉ, ánh mắt, cảm xúc của người vợ…Và anh đã thành công.

Qua đó, chúng ta nhận ra có hai mức độ lắng nghe: lắng nghe bằng cách tiếp cận trực tiếp những âm thanh và sứ điệp mà người khác muốn mang lại. Còn cấp bậc thứ hai: lắng nghe và thấu hiểu từ ngôn ngữ hình thể. Như thế, chúng ta cần nghe bằng tai nhưng cũng đòi hỏi sự thông minh để học biết trắc nghiệm bằng mắt và đụng chạm bằng xúc giác. Có thế, tình yêu được họ cảm nhận bằng hết con người mình và đó là cách họ thể hiện tình yêu hết mình.

7.Cầu nguyện trong gia đình:

Nếu như thức ăn cần thiết cho sự sống còn của thân xác thế nào, thì cầu nguyện hay kinh nguyện là thành phần giúp nuôi dưỡng linh hồn và đời sống đức tin như vậy. Có người cho rằng không ăn có thể dẫn đến cái chết nhưng không kinh nguyện linh hồn vẫn chẳng vương hại gì. Chủ trương này dễ dẫn đến thái độ sống buông thả và sai lầm về mặt đạo đức vì tưởng rằng tự sức mình có thể sống hoàn thiện. Thực tế cho thấy, những người bỏ bê trong đời sống cầu nguyện họ dễ sa phạm tội trọng với nguy cơ mất linh hồn. Và một khi sống trong tình trạng này, họ không thể bình an để khả dĩ xây dựng một bầu khí gia đình đầm ấm và hạnh phúc.

Cầu nguyện hay kinh nguyện trong gia đình phải giúp từng thành viên cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa qua lịch sử của gia đình mình. Để đến một lúc nào đó, mọi người cảm thấy nhu cầu cần đến Chúa, khi ấy chẳng cần ai bảo ai, họ sẽ tham gia nguyện kinh cách tích cực như cách tiếp thêm năng lượng siêu nhiên để mỗi ngày sống là hồng ân. Thật vậy, khi cử hành kinh nguyện, mọi người được tiếp xúc với Lời Chúa như nói với từng người trong gia đình, từ đó, mỗi người dâng lời nguyện bộc phát, đây là cách “tự thú” trước mặt Chúa với sự hiện diện của mọi người. Khi ấy, mọi hiểu lầm, khúc mắc trong ngày sống sẽ được người khác thông cảm và tha thứ, và nhờ đó, mọi người yêu thương nhau nhờ sự chúc lành của Chúa.

Tóm lại, với 7 yếu tố được đề nghị trên đây, chắc hẳn sẽ giúp mọi người ý thức hơn về trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình của mình. Tuy nhiên, sẽ luôn có sự gia giảm vì có gia đình này mạnh về điểm này, yếu về điểm kia. Điều đó, không có gì khó khăn nếu từng thành viên luôn thao thức tìm kiếm cách thức tốt nhất giúp nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

Exit mobile version