5 vị thánh qua đời khi còn đang tuổi thiếu nhi

ImeldaLambertini - 5 vị thánh qua đời khi còn đang tuổi thiếu nhi
chân phước Imelda Lambertini

Trước đây, đã có các thiếu nhi được tuyên phong, như thánh José Luis Sánchez del Río, thánh Đaminh Savio và chân phước Imelda Lambertini và nhiều hồ sơ của các vị Tôi tớ Chúa hay Chân phước còn rất trẻ đang được cứu xét. Tuy không phải là các giám mục hay giáo hoàng nổi tiếng, không là các vị tài đức khôn ngoan nổi bật, nhưng các vị thánh trẻ cũng là những vị thánh lớn trong Giáo hội vì gương lành và ảnh hưởng của các ngài để lại cho Giáo hội. Các thánh trẻ dạy chúng ta nhiều điều dù là tuổi đời của các ngài thật non trẻ. Các thánh trẻ dạy chúng ta biết rằng chìa khóa nên thánh là trở nên bé nhỏ và có tinh thần phó thác vào Cha trên trời như các em bé. Các ngài cho chúng ta thấy niềm tin kỳ diệu của các ngài. Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị tiểu sử vắn tắt của 5 vị thánh, ngay từ khi tuổi đời còn rất thơ dại, đã tận hiến chính mình cho Chúa và được Chúa cho hưởng vinh quang thiên quốc khi còn rất trẻ.

Thánh Đaminh Saviô sinh năm 1842, tại làng Riva, miền bắc nước Ý, trong một gia đình Công giáo đạo hạnh, là học trò của thánh Gioan Bosco. Ngay từ khi còn nhỏ, Savio đã yêu mến Chúa và Giáo hội và luôn thực hành đức tin Công giáo. Khi được 3 tuổi, Saviô đã cầu nguyện hàng ngày với lòng sùng kính Chúa và còn nhắc nhở cha mẹ cậu khi họ quên cầu nguyện. Khi lên 5 tuổi, Savio đã học giúp lễ và được phép rước lễ lần đầu khi lên 7 tuổi; vào thời đó, đây là một điều đặc biệt. Đối với Savio, ngày được rước lễ lần đầu là ngày hanh phúc và tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Cậu đã viết 4 lời hứa trong một cuốn sổ nhỏ: 1/ Tôi sẽ thường xuyên xưng tội và rước lễ khi cha giải tội cho phép; 2/ Tôi ao ước thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày Lễ trọng khác cách đặc biệt; 3/ Các bạn của tôi sẽ là Chúa Giêsu và Mẹ Maria; và 4/ Thà chết còn hơn pham tội.

Saviô ao ước mãnh liệt thực hiện điều Chúa muốn, cậu nói: “Tôi không thể làm những việc lớn lao vĩ đại. Nhưng tôi muốn tất cả những điều tôi làm, ngay cả những điều bé nhỏ nhất, là để Chúa được vinh danh hơn. Khi ở trường học, Saviô sống gương mẫu, hy sinh, chấp nhận những vu cáo vì muốn noi theo gương Chúa Giêsu. Savio ao ước trở thành linh mục và được chính thánh Gioan Bosco hướng dẫn. Nhưng sức khỏe của Saviô rất yếu, và mong ước được sớm về với Chúa. Savio qua đời khi chưa tròn 15 tuổi. Ngày 12/4/1954, Đức Giáo hoàng Pio XII đã tôn phong Saviô lên hàng hiển thánh. Thánh Đaminh Savio được chọn làm bổn mạng của các ca viên thiếu nhi, những người bị cáo gian, vv.

Thánh José Luis Sánchez del Río sinh năm 1913, tại Mêhicô. Khi cuộc chiến Cristero, một cuộc tranh đấu chống lại chế độ tục hóa, chống lại chế độ chống Công giáo và đức tin, bùng nổ vào năm 1926, cậu bé José đang còn đi học ở trường. Nhiều người Công giáo Mêhicô nổi dậy để bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Hai người anh của José gia nhập lực lượng nổi dậy và cậu bé cũng muốn đi theo các anh. Năm 14 tuổi, Joséđược nhận vào để giúp các việc ở chiến trường và sau đó, trở thành người cầm cờ của tổng tư lệnh. José nói rằng cậu muốn dâng cuộc sống cho Chúa Giêsu Kitô và biết là cậu có thể dễ bị chết trên chiến trường.

Trong một cuộc chiến, José đã bi bắt và bị các binh lính bắt phải chối bỏ đức tin Công giáo nhưng cậu cương quyết từ chối và điều này đã làm cho các binh lính nổi giận. José đã thuyết phục cha mẹ không trả tiền chuộc cậu theo yêu cầu của chính quyền. Sau khi José được một người dì mang Mình Thánh Chúa cho cậu lãnh nhận như “của ăn đàng”, cậu đã bị các binh lính lột da bàn chân từ từ, bắt cậu đi trên muốivà lôi cậu đi trên đường, chân không có giày, cho đến nghĩa trang. Họ định đâm José chết để tránh ồn ào, nhưng vì trên đường đi, cậu không ngừng hô “Vạn tuế Chúa Kitô Vua!”, làm các binh lính bực mình và cuối cùng,viên sĩ quan đã bắn cậu chết vì không chịu chối đức tin. Khi ấy José được 15 tuổi. Ngày 16/10/2016 Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên phong hiển thánh cho José.

Hai thánh Phanxicô và Giaxinta Marto là hai vị thánh được nói đến nhiều trong năm nay (2017). Phanxicô sinh năm 1908, còn Giaxinta sinh năm 1910. Hai vị thánh này là 2 trong số 3 trẻ mục đồng mà Đức Mẹ Maria đã hiện ra với họ nhiều lần trong năm 1917. Sau khi được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, hai thiếu nhi này đã quyết định dâng hiến bản thân, hiến dâng mạng sống như lễ hy sinh để đền thay tội lỗi của thế giới.

Ước muốn duy nhất của Phanxicô là “an ủi và làm cho Chúa Giêsu vui lòng”; cậu đã khó vì nghĩ tới những tội lỗi con người đã phạm chống lại Chúa Giêsu. Phanxicô chịu đựng những bệnh tật đau khổ mà không hề than van. Đói với cậu, tất cả dường như còn quá ít để an ủi Chúa Giêsu. Phanxicô qua đời với nụ cười trên môi. Cả Giaxinta cũng thế, em đã chịu đựng những đau đớn do bệnh tật và nói: “Ôi, con ao ước chịu đau khổ bao nhiêu vì tình yêu dành cho Chúa và Đức Mẹ; các ngài rất yêu thương những người chịu đau khổ hy sinh để người tội lỗi trở lại. Khi Giaxinta đang đau bệnh, nằm trên giường, Đức Mẹ đến thăm hai em và cho biết Mẹ sắp mang Phanxicô về trời, Giaxinta cũng muốn hoán cải các tội nhân. Khi Phanxicô gần lìa thế, Giaxinta dặn anh: “anh hãy mang những lời chào thăm của em cho Chúa và Đức Mẹ nhé, và thưa với các Ngài rằng em sẵn sàng chịu đựng tất cả những gì các ngài muốn để hoán cải người tội lỗi.”

Phanxicô qua đời khi được 10 tuổi, còn Giaxinta chỉ mới 9 tuổi. Vào ngày 13 tháng 5 năm thánh 2000, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đã tôn phong Phanxicô và Giaxinta lên bậc chân phước và ngày 13 tháng 5 năm nay, Đức giáo hoàng cũng đã tôn các ngài lên hàng hiển thánh.

Chân phước Imelda Lambertini sinh năm 1322. Khi còn rất nhỏ, Imelda đã có lòng đạo đức đặc biệt, yêu thích cầu nguyện. Khi mới 9 tuổi, cô đã bị thu hút bởi đời sống tu trì và xin vào dòng Đaminh. Cha mẹ của cô bé rất ngạc nhiên, nhưng nhìn thấy lòng sùng kính và tình yêu Chúa của cô bé, họ đã cho cô đến sống ở đan viện gần đó. Ở đó, Imelda được mang tu phục dòng Đaminh và sống đời sống của các nữ tu. Ao ước lớn nhất của Imelda là được lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng vào thời đó, phải 14 tuổi mới được rước lễ lần đầu. Tuy vậy, Imelda vẫn kiên trì cầu xin. Vào môt ngày lễ Thăng Thiên, khi cả cộng đoàn được rước Mình Thánh Chúa, chỉ có Imelda là không được. Sau Thánh lễ, khi một nữ tu đang dọn bàn thờ, chợt nghe tiếng ồn. Chị nhìn lên và thấy Minh Thánh Chúa lơ lửng trên không, ở phía trên đầu Imelda, khi cô đang quỳ gối đắm mình trong cầu nguyện trước Nhà Tạm. Linh mục nhìn thấy phép lạ hiểu rằng đó là một dấu chỉ và đã cho Imelda được rước lễ lần đầu. Với nụ cười trên môi, Imelda đã qua đời không lâu sau đó, khi mới 11 tuổi. Chân phước Imelda được chọn làm bổn mạng các trẻ em rước lễ lần đầu.

(Hồng Thủy, RadioVaticana 01.06.2017)

Exit mobile version