30 năm giúp người tị nạn và thăng tiến phụ nữ nghèo của sơ Lacey

MarilynLacey - 30 năm giúp người tị nạn và thăng tiến phụ nữ nghèo của sơ Lacey

“Tin khẩn cấp! Những người tị nạn từ Đông nam á đang đến sân bay San Francisco. Cần những tình nguyện viên trợ giúp họ tại khu vực sân bay quốc tế.” Những lời kêu gọi này xuất hiện trên bảng thông tin của tu viện các sơ dòng Mercy (Thương xót) vào một ngày của năm 1980, khi hơn 700 người tị nạn từ Việt nam, Lào và Campuchia, được gọi là các “thuyền nhân”, đang được đưa đến sân bay của thành phố San Francisco, bắc California.

Sơ Marilyn Lacey, dòng Mercy, khi ấy đang là giáo viên dạy môn toán tại trường trung học ở Los Angeles, nhưng đang làm công việc điều hành tại nhà mẹ của dòng ở gần San Francisco, đã nhìn thấy tấm giấy có lời kêu gọi này, được đính trên bảng thông tin của nhà dòng, giữa những lời xin cầu nguyện, thời gian đọc kinh và các thông báo khác. Tấm giấy đó đã thu hút đặc biệt sự chú ý của sơ Marilyn; sơ đã lôi 2 người bạn của mình cùng đi đến sân bay ngay trưa hôm đó để giúp những người tị nạn mới đến.

Công việc đầu tiên của sơ Marilyn là đồng hành với các gia đình không thể nói tiếng Anh và đang lo lắng vì phải để lại đồ đạc của họ ở chỗ kiểm soát an ninh, rồi kế đến là tiếp đón tạm thời một số gia đình tại tu viện nếu họ bị trễ chuyến bay hoặc có vấn đề ngăn trở chuyến bay của họ. Kinh nghiệm này thật khác, không giống với bất cứ thứ việc gì mà sơ đã trải qua trước đó và chính điều này đã thay đổi sơ.

Năm sau đó, sơ Marilyn đã tình nguyện dạy Anh văn trong một trại tị nạn tại Thái lan và khi trở về lại Hoa kỳ, sơ đi học và có bằng cử nhân về hoạt động xã hội. Từ đó sơ đã làm việc cho Cơ quan bác ái Công giáo của giáo phận San Jose ở California và từ năm 1983 đến năm 2005, sơ là giám đốc hoạt động cứu trợ của Cơ quan này. Trong thời gian làm việc tại Cơ quan bác ái Công giáo, sơ Marilyn đã tham dự một hội nghị và nghe các Giám mục Nam Sudan miêu tả tình cảnh của một triệu người dân phải tản cư vì cuộc nội chiến tại một miền, nơi không có trường học, bệnh viện hay trạm xá nào. Sau buổi hội thảo, Đức cha Paride Taban, hiện nay là Giám mục hưu trí của Torit, Nam Sudan, đã mời sơ Marilyn thăm Nam Sudan và để sơ tận mắt chứng kiến thảm trạng nơi đó.

Những điều nhìn thấy ở Nam Sudan đã khiến sơ Marilyn vô cùng xúc động, và sơ đã dự định làm bất cứ điều gì để có thể giúp người dân tại đây. Năm 2008, kế hoạch của sơ được bắt đầu thực hiện; sơ đã thành lập tổ chức “Lòng thương xót vượt qua biên giới”, là một nhóm phi lợi nhuận, và sơ làm giám đốc điều hành của nhóm. Mục đích của tổ chức này là giáo dục các thiếu nữ và hỗ trợ các dự án kinh doanh của các phụ nữ di tản ở miền nam Sudan, nơi mà người phụ nữ bị coi rẻ còn hơn thú vật. Năm sau đó, tổ chức “Lòng thương xót vượt qua biên giới” cũng hỗ trợ cho các thiếu nữ và các phụ nữ trẻ ở Haiti trong cùng chương trình như thế. Tổ chức “Lòng thương xót vượt qua biên giới” không do các sơ dòng Thương xót bảo trợ nhưng theo tinh thần của dòng. Sơ Marilyn cảm thấy mình đang theo bước chân của đấng sáng lập dòng, sơ Catherine McAuley, người đã dâng hiến cuộc đời mình để phục vụ những người nghèo.

Hồi đầu năm nay, sơ Marilyn được nhận giải thưởng của dự án The Canales, một nhóm dùng nghệ thuật như một công cụ để thay đổi xã hội. Chương trình này đã vinh danh 20 phụ nữ trong một bài hát. Năm ngoái, sơ Marilyn cũng nhận được giải thưởng Opus, với số tiền 1 triệu đô la và trong năm 2001, sơ được Đức Đạt Lai Lạt Ma của Phật giáo Tây tạng vinh danh như “Một anh hùng thầm lặng của lòng cảm thông.”

Sơ Marilyn nay đã 69 tuổi và đã giúp cho người tị nạn hơn 30 năm, kể từ lần đầu tiên sơ giúp cho người tị nạn tại sân bay San Francisco. Bây giờ, sau hơn 30 năm, sơ Marilyn cũng không còn ý tưởng là mình đến để cứu giúp họ hay sắp đặt mọi thứ, như sơ đã suy nghĩ 30 năm trước, khi sơ mới bắt đầu giúp những người tị nạn. Sơ thấy công việc thật tuyệt vời và công việc giúp đỡ người tị nạn này cũng đã dạy cho sơ rất nhiều điều. Sơ Marilyn hiểu rằng công việc xã hội sơ đang làm là một kinh nghiệm rất khác với kinh nghiệm của một giáo viên dạy toán, nơi chỉ cần nói: Đây là cách nó sẽ là và bạn biết chính xác điều bạn đang làm. Công việc của sơ hiện nay gồm việc giúp đỡ các phụ nữ đã chứng kiến bạo lực khủng khiếp và đã sống trong sự nghèo khổ cùng cực nhưng vẫn muốn học hành để cuộc đời của họ có thể tốt đẹp hơn.

Sự thanh thản, những tiếng cười giòn và tình yêu dành cho các phụ nữ của sơ Marilyn chỉ đơn giản là đang sống Tin mừng, với lệnh truyền của Chúa: hãy đón tiếp những người khách lạ. Nhìn thấy những người tị nạn đang thay đổi cuộc đời là một niềm vui phấn khởi đối với sơ Marilyn; sơ cảm thấy mình giống như là một bà ngoại hay bà nội tự hào hãnh diện.

Hồng Thủy
(VaticanNews 21.07.2018)

Exit mobile version