Và, chuyện nực cười có thật 100% rằng có một đại gia kia dường như không còn ngại ngùng khi cứ bám các đức cha. Bất cứ lễ phong chức đức cha nào đó hay là tiệc tùng, lễ lạc thì đều có mặt người đó và người đó tự thưởng cho mình rằng mình là người thân cận với các đức cha và chỉ chơi với các đức, còn cha thì thôi, xin tạm biệt nhé !
Bản thân hèn mọn như tôi thì làm gì có cơ may để tiếp cận hay gần gũi các đức như ai kia. Có chăng được nghe lại hay chỉ gặp gỡ thoáng qua nhân dịp nào đó thôi chứ làm gì có chuyện gần gũi với các đấng bậc chức sắc trong Giáo Hội.
Thật ra mà nói, dĩ nhiên ai ai cũng tôn trọng và quý mến các Ngài và để cho các Ngài một chỗ danh dự trong lòng mình. Thế nhưng, trong cung cách sống thường ngày, các Đức Cha và đặc biệc các Đức Ông mà bỉ nhân đây gặp gỡ đều để lại một hình ảnh rất đẹp, một cung cách sống hết sức khiêm nhường mà bao nhiêu người cần học hỏi.
Có khi chỉ mới lên làm cha Xứ, có khi chỉ mới đảm nhận chức này chức kia nhưng cung cách hành xử làm cho giáo dân có khi phải khiếp sợ. Ngược lại, những vị học cao hiểu rộng tài đức lại cư xử trong một cung cách thật không ngờ và cũng chẳng ai nghĩ ra.
3 Đức Ông dường như cả đời sống ở ngoại quốc nhưng rồi khi về già đã lặng lẽ dùng những ngày còn lại của đời mình để phục vụ quê hương cách lặng lẽ. Các Ngài như những truyền nhân muốn để lại cho con cái cung cách sống của một vị chân tu bình dị.
3 vị mà bỉ nhân nhắc đến đó là Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả và Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương.
Cả 3 vị đều ở ngoại quốc lâu năm, kiến thức cũng như đường tu dường như thẩm thấu trong đời để rồi bất cứ ai có dịp tiếp xúc thấy lóe lên một khuôn mặt hiền lành và nhân hậu.
Có người đã được ở những nơi đầy đủ tiện nghi và thậm chí sang trọng thì sẽ tìm đủ mọi lý lẽ biện minh để ở tiếp tục. Thế nhưng rồi có người cảm nhận khi xong bổn phận thì về lại với quê hương. Chính vì thế nên 3 Đức Ông đã chọn cho mình con đường trở lại quê nhà sau nhiều năm miệt mài phục vụ.
Hẳn mọi người còn nhớ Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả vừa về nhà Cha cách nhẹ nhàng. Cả cuộc đời Đức Ông luôn trầm lắng và khiêm hạ để phục vụ Giáo Hội trong cung cách là một người đầy tớ trung thành. Đức Ông đã trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
Ở cương vị của Ông, Ông có thể chọn cho mình một lối sống hưởng thụ hay ăn trên ngồi chốc. Thế nhưng rồi Ông lại cứ âm thầm và lặng lẽ. Lặng lẽ và âm thầm đến độ trong ngày lễ phong chức của Đức Giám Mục Phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng ngồi cùng với hàng linh mục trẻ ở những dãy ghế tự đàng xa. Đức Ông không tìm cho mình chỗ nhất hay chỗ dành riêng cho đấng bậc. Cung cách khiêm hạ của vị chân tu đó giờ đây dẫu đi xa nhưng vẫn còn âm hưởng giữa cuộc đời.
Người thứ hai : Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài. Có lẽ với Đức Ông Tài thì bỉ nhân đây may mắn gần với Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài. Không phải gần mà là quá gần mà còn “học chung một lớp” nữa.
Thật vậy, thuở thiếu thời, bỉ nhân được hân hạnh “cùng lớp” với Đức Ông Tài. Thật sự là thế, cùng lớp với Đức Ông nhưng có điều Đức Ông ngồi trên nhìn xuống còn bỉ nhân và các bạn khác ngồi ở dưới … ngước nhìn lên nghe Đức Ông giảng dạy.
Một cuộc đời bình dị và trầm lắng với truyền thông. Những năm tháng cuối đời, Đức Ông Phêrô đã gắn bó mật thiết hơn với Giáo Hội Việt Nam, cách riêng với Giáo Phận quê nhà Vĩnh Long. Với tất cả tâm tình, Đức Ông Phêrô đã cho đi hết, đã để lại hết những gì gọi là vốn liếng của mình cho thế hệ mai sau. Những ai gần gũi, tiếp cận với Đức Ông sẽ không bao giờ phai dấu được một người cha nhân hậu, một người làm truyền thông thật âm thầm.
Hơn một lần về thăm quê cha đất tổ của Đức Ông, nhất là thăm mái nhà xưa trước khi Đức Ông Phêrô khăn gói lên đường xuất ngoại vẫn còn đó. Một mái tôn nghèo giữa đám vườn tược điều hiêu. Điều mà nhiều người ngạc nhiên lắm đó là ở cương vị của Ông, nếu Ông như những người khác thì ngôi nhà ấy sẽ là cái biệt thự đầy đủ tiện nghi. Nhưng không, Đức Ông Phêrô vẫn bình dị và sâu lắng như ngày nào của con dân Rạch Lọp mến thương.
Giờ đây, Ông lặng lẽ nằm một góc ở núi Đá Đức Mẹ chờ ngày Phục Sinh.
Đức Ông đã ra đi nhưng trong lòng người tín hữu Công Giáo vẫn sâu đậm một cuộc đời trầm lắng của Ông.
Và, vị thứ ba mà bỉ nhân được gặp gỡ, trò chuyện đó chính là Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương.
Non kém 40 năm trời ăn cơm Roma, ở Roma, làm việc Roma nhưng rồi đã chọn cho mình những ngày tháng còn lại phục vụ ở quê nhà. Khuôn mặt dễ mến và nụ cười nhân hậu luôn có nơi Đức Ông Barnabê khi những lần gặp gỡ.
Cũng nhẹ nhàng và trầm lắng không phô trương và chưa bao giờ nghe nói về thân thế, đó chính là cung cách giản dị của một Đức Ông vùng miền Tây sông nước.
Cứ như sự đời và ở đời, khi người ta ngồi trên chiếc ghế càng cao thì người ta càng huênh hoang tự hào tự đắc, nhưng ngược lại, với những vị cao nhân trong Giáo Hội đã thể hiện một cung cách của một con người : “đến để phục vụ chứ không phải để người ta phục vụ” đã để lại trong lòng người tín hữu lòng mộ mến kính yêu.
Cả 3 vị đã bước theo chân Thầy Chí Thánh một cách triệt để và lắng sâu để cuộc đời 3 vị in lại hình ảnh của một Giêsu hiền lành và khiêm nhường và giàu lòng thương xót.
Ước gì linh mục tu sĩ hãy nhìn lên những cung cách âm thầm mà lắng đọng này để sống, để hành xử với bổn đạo, với con chiên. Có như vậy, người giáo dân mới dám đến gần vị chủ chăn của mình để bày tỏ, để trải lòng những khúc mắt của trần gian.
Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, Giáo Hội vẫn cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. Đơn giản rằng thầy dạy ngày hôm nay quá nhiều, trình độ quá cao nhưng người sống lời mình nói cũng như minh chứng cho một Giêsu đang đến giữa cuộc đời còn quá ít.
Người Giồng Trôm