3 điều quý giá

Tôi hoàn toàn đồng ý. Vậy nếu điều chúng ta cần nhất chính là lòng tin, thì làm thế nào chúng ta có thể định nghĩa được yếu tố khó nắm bắt ấy? Lòng tin là gì và làm thế nào chúng ta có được nó? Lòng tin là điều gì đó rất mơ hồ; nó không thể được nhìn thấy, nghe thấy, chạm tới, nếm hoặc ngửi thấy. Tuy nhiên, chúng ta hiểu và cảm nhận được nó bằng tinh thần. Lòng tin chính là tin tưởng Thiên Chúa sẽ mang lại kết quả tốt đẹp từ một hoàn cảnh, mặc cho hoàn cảnh ấy có như thế nào đi nữa.

Ngay cả khi chúng ta không hiểu chính xác lòng tin là gì, nhưng nếu đó là điều chúng ta cần để làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn, thì làm thế nào chúng ta có được nó? Chúng ta biết rằng Lời của Chúa củng cố đức tin chúng ta, nhưng đôi khi chúng ta vẫn cảm thấy mình không có đủ lòng tin hoặc không thấy được lòng tin có tác dụng đối với chúng ta.

Tôi tự hỏi bản thân: Điều gì khiến tôi vững vàng trong những lúc khủng hoảng? Điều gì giữ tôi tiếp tục, điều gì khiến tôi không bỏ cuộc và nói: “Tôi không muốn tiếp tục cố gắng để đạt được những tiến bộ về mặt tinh thần nữa”, “tôi không muốn phải cho đi quá nhiều”, “tôi không muốn lo lắng cho người khác nữa”, “tôi không muốn trái tim mình đau đớn nữa”, “trách nhiệm này quá lớn đối với tôi”.

Điều gì làm tôi không nghi ngờ những lời hứa của Thiên Chúa khi tất cả những lỗi lầm và thất bại đang đè nặng trên tôi như đám mây đen, và những cảm xúc đe doạ sẽ làm tôi ngã gục? Khi có quá nhiều điều thay đổi và tôi không biết mình có thể thích ứng được không, điều gì giữ cho tôi tiếp tục tin tưởng rằng những việc khó khăn “rồi sẽ qua”? Nếu câu trả lời chính là lòng tin, thì lòng tin hoạt động như thế nào? Tôi làm gì để có được lòng tin? Và rồi lòng tin giúp ích được gì được cho tôi? Tôi làm gì và nghĩ gì để giúp bản thân vượt lên trên những khó khăn và những vấn đề? Tôi phải làm những gì để lòng tin của tôi trở nên mạnh mẽ?

Tôi ngẫm nghĩ về những câu hỏi đặt ra cho bản thân và lập ra một danh sách. Đây không phải là những điều tôi buộc phải làm và đánh dấu bỏ qua một khi chúng đã được thực hiện xong. Đây là những điều tôi cần thực hiện suốt những năm tháng đời tôi. Một số việc đã trở thành thói quen và số khác tôi phải suy nghĩ một cách thật thấu đáo. Nhưng mỗi một điều đều giúp tôi mỗi khi tôi tận dụng chúng. Nó giống như một chiếc hộp châu báu mà tôi tìm kiếm mỗi khi cần đến.

Dưới đây là 3 điều quý giá trong hộp châu báu:

Điều thứ nhất: Tự nhắc nhở bản thân về những lời hứa của Thiên Chúa. Nếu lòng tin là tin vào Chúa, vậy tôi tin Ngài điều gì? Nói chung, đó chính là mọi việc rồi sẽ ổn cho dù tôi đang trong tình cảnh nào đi chăng nữa. Nhưng điều cụ thể mà tôi tin tưởng là gì? Tôi thường tin những gì Ngài đã nói, những lời hứa của Ngài, bất cứ điều gì phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hiện tại của tôi, hoặc bất cứ điều gì giúp ích nhất cho tôi. Thiên Chúa đã ban rất nhiều lời hứa trong Kinh Thánh và trong lời sống động hằng ngày của Ngài. Hãy cùng đọc một vài câu Kinh Thánh. Đây là những lời hứa tôi học thuộc cách đây nhiều năm và luôn giúp tôi đứng vững.

Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi” (Tv 34,20).

Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín; Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13).

Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 55,23).

Niềm tin của tôi vào những lời hứa của Thiên Chúa đã thêm sức cho tôi cho đến lúc này và giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn. Tôi có mọi lý do để luôn trông cậy nơi Chúa, đặc biệt trong những lúc gian nan, bởi vì Ngài đã không bỏ quên tôi trong quá khứ. Ngài luôn giúp tôi qua khỏi những lúc gian nan và trả lời mọi câu hỏi của tôi, hoặc ban cho tôi bình an, hoặc chữa lành thân xác tôi, hoặc chỉ đường cho tôi.

Tôi biết Ngài sẽ thực hiện lời Ngài. Hoàn cảnh của tôi thế nào không quan trọng, tôi lựa chọn đặt niềm trông cậy của tôi nơi Ngài, tôi lựa chọn tin tưởng – và tiếp tục tin tưởng – rằng Ngài có quyền năng thay đổi mọi việc.

Đúng y như Ngài đã phán, không sai một lời nào trong những lời tốt lành Người đã nói” (1 V 8,56b).

Phải chăng Người nói mà không làm? Hay Người phán mà không thực hiện?” (Ds 23,19).

Điều thứ hai: Tôi tìm thấy được từ kinh nghiệm – của bản thân và của người khác – rằng những việc khó khăn tôi trải nghiệm giúp tôi (1) hiểu người khác và những gì họ trải qua, (2) dễ thông cảm hơn với người khác, và (3) có được những bài học giá trị để tôi có thể giúp đỡ người khác. Đó là những kết quả tích cực mà tôi có thể cảm thấy hạnh phúc. Nghe tôi nói điều này, có thể bạn sẽ hỏi: “Tại sao chúng ta phải hy sinh cho những người khác?” Tôi đoán mỗi chúng ta phải tự quyết định cho bản thân – quyết định xem chúng ta có sẵn lòng làm điều ấy không. Khi tôi nhìn xung quanh và thấy Thiên Chúa có rất ít người sẵn lòng thể hiện tình yêu của Ngài đối với người khác, tôi nhận ra rằng có lẽ Ngài rất cần tất cả chúng ta. Nhưng đó là lựa chọn của chúng ta.

Kiến thức tinh thần dồi dào tôi có được thông qua những lúc khó khăn và giờ đây có thể chia sẻ với người khác chính là điều quý giá – những chia sẻ có thể biến đổi tâm hồn và tinh thần của ai đó và mang đến cho họ mục đích sống, sự thoả nguyện và niềm hy vọng. Bên trong mỗi người có một nhu cầu bẩm sinh tiềm ẩn muốn làm điều gì đó hữu ích cho đồng loại, làm điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc cuộc sống.

Điều thứ ba: Đây là một điều khác giúp tôi vững vàng và tiếp tục trong niềm tin “được xây dựng vững chắc và kiên quyết” như Phaolô đã nói trong Cl 1,23. Từ trải nghiệm của mình, tôi biết được những cảm xúc xáo trộn và buồn bã rồi sẽ kết thúc. Vì thế, tôi cố gắng can đảm và tiếp tục làm mọi việc trở nên dễ dàng cho người khác, ngay cả khi bản thân tôi không muốn chút nào.

Thomas a Kempis đã từng nói: “Không có cách nào thoát khỏi nỗi đau khổ và buồn phiền, ngoại trừ kiên nhẫn chịu đựng nó”.

Ai đó thật hài hước khi nói rằng trong cuộc sống, có thể bạn cảm thấy những chấn động và có thể bạn không muốn bám chặt, nhưng bạn có nghĩ được điều gì khác để làm không?

Kinh Thánh khuyên chúng ta nên chờ đợi và kiên nhẫn, và trong Kinh Thánh cũng có lời hứa rằng chúng ta sẽ nhận được phần thưởng cho sự chịu đựng ấy. “Những người cậy trông vào Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40,31). Và “… phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa” (Dt 10,36).

Kinh Thánh cũng nói: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Bên cạnh lời hứa tốt đẹp cho tương lai, chính là “những đau khổ trong hiện tại” – một lời hứa mang tính động viên và một sự nhắc nhở rằng những đau khổ không phải là mãi mãi.

Ngay cả khi không có một phần thưởng nào cho sự chịu đựng, tôi vẫn không muốn bỏ cuộc. Tôi yêu những điều quý giá mà tôi đạt được và từ đó tôi có thể chia sẻ với người khác. Tôi nghĩ không có bất cứ điều gì nơi thế gian này có thể thoả nguyện và thoả mãn hơn thế. Chắc chắn việc đạt được những điều quý giá cần phải trả giá, và đôi lúc, tôi cảm thấy quá khó khăn; nhưng tôi biết rằng những gian nan chỉ là tạm thời và rằng nếu tôi kiên trì, tôi sẽ nhận được phần thưởng từ việc giúp đỡ cuộc sống của người khác – đó chính là những biến đổi tuyệt vời và mãi mãi nơi cuộc sống của họ.

Thiên Ândịch

Exit mobile version