Ông Luigi Beltrame Quattrocchi (1880-1951) và Bà Maria Corsini (1884-1965). Lễ nghi tôn phong Chân Phước trùng với kỷ niệm 20 năm ban hành tông huấn gia đình Familiaris Consortium (1981-2001) về sứ mạng hôn nhân của Kitô hữu.
(Khi nâng Đôi Bạn lên hàng chân phước, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quyết định chọn ngày 25-11 hàng năm là ngày kính Vợ Chồng Chân Phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi. 25-11 là ngày thành hôn của Đôi Bạn: 25-11-1905).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, đôi vợ chồng được nâng lên hàng Chân Phước cùng một ngày. Hai vị nên thánh vì chu toàn tới mức độ anh hùng cuộc sống hôn nhân thường nhật. Ba trong số bốn người con của Ông Bà hiện diện trong Thánh Lễ tôn phong Á Thánh. Linh Mục Tarcisio, trưởng nam 96 tuổi. Linh Mục Paolino dòng Trappist con thứ ba 93 tuổi và người con gái út, bà Enrichetta 88 tuổi. Chỉ thiếu người con thứ hai là nữ tu Maria Cecilia (1908-1993) dòng Biển-Đức.
(7 năm sau, cặp vợ chồng Công Giáo thứ hai được nâng lên hàng Chân Phước cùng một ngày là Song Thân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU và Nhan Thánh (1873-1897). Ông Louis Martin (1823-1894) và Bà Zélie Guérin (1831-1877). Lễ tôn phong chân phước diễn ra tại thành Lisieux bên Pháp vào Chúa Nhật 19-10-2008 nhằm Khánh Nhật Truyền Giáo. Lễ kính cặp vợ chồng Chân Phước Louis Martin và Zélie Guérin được ấn định vào ngày 12-7, tức ngày thành hôn 12-7-1858. Và Chúa Nhật 18-10-2015, trong khuôn khổ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 về Gia Đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng đôi vợ chồng chân phước Louis Marin và Zélie Guérin lên hàng hiển thánh).
I. Cuộc đời niên thiếu của Đôi Vợ Chồng Chân Phước.
1/ Chân Phước Luigi Beltrame Quattrocchi chào đời ngày 12-1-1880 tại Catania thủ phủ đảo Sicilia (Nam Ý). Luigi là con thứ ba trong số 4 người con của ông Carlo Beltrame và bà Francesca Vita.
Luigi có người Dì tên Stefania Vita – tức Fanny – lập gia đình với ông Luigi Quattrocchi. Cả hai cùng son sẻ. Cuộc sống gia đình thiếu vắng tiếng nói tiếng cười trẻ thơ. Vợ chồng Quattrocchi bày tỏ cùng anh chị Beltrame ước muốn tiếp nhận Luigi làm con. Họ hứa với anh chị sẽ coi Luigi như con ruột và chu toàn nghiêm chỉnh trách nhiệm làm cha làm mẹ. Họ cũng long trọng hứa với anh chị:
– Bé Luigi vẫn giữ nguyên tâm tình thảo hiếu đối với cha mẹ ruột. Dì Dượng sẽ không hề tước đoạt quyền lợi gì của cha mẹ ruột cả.
Và lời hứa được trung tín bảo toàn. Kể từ ngày về sống với Dì Dượng ở thủ đô Roma, cậu bé Luigi 8 tuổi – thông minh và hảo tâm – hết lòng yêu thương và vâng lời Dì Dượng như song thân, đồng thời vẫn giữ liên hệ con thảo với cha mẹ ruột và tình huynh đệ với anh chị em ở tận miền Nam nước Ý.
Luigi trở thành quí tử duy nhất và lớn lên trong khung cảnh đầm ấm của gia đình Dì Dượng. Người ta hiểu lý do tại sao Luigi mang hai tên họ Beltrame và Quattrocchi. Dượng Luigi giữ đúng nguyên tắc giáo dục: trìu mến nhưng không nuông chìu làm hư hỏng trẻ thơ. Dượng thường nói:
– Luigi phải học hành và vì có trí thông minh, Luigi phải thành công trong việc học!
Bên cạnh lề lối giáo dục nghiêm khắc của Dượng, luôn có tấm lòng hiền mẫu bao la của Dì Fanny. Bé Luigi hiểu rõ hoàn cảnh của mình và tình thương của Dì Dượng nên cố gắng học hành. Năm 1898, mãn bậc trung học, thanh niên Luigi 18 tuổi ghi tên vào phân khoa Luật của Đại Học Roma.
Cuộc đời sinh viên trí thức tiến triển bình thường, nhưng cuộc sống đạo đức của Luigi không có gì đặc biệt trong thời gian này. Chỉ có điều đáng nhấn mạnh, đó là, sinh viên Luigi có bản lĩnh can cường. Anh sống ngay chính, tôn trọng tha nhân và tuyệt đối không bao giờ làm một hành động nào mang tính chất đê tiện. Không bao giờ! Sau 4 năm học Luật, Luigi ra trường và bắt đầu tập sự hành nghề Luật Sư.
2/ Nữ Chân Phước Maria Beltrame Quattrocchi nhũ danh Maria Corsini. Maria Corsini chào đời ngày 24-6-1884 tại Firenze (Bắc Ý). Maria là ái nữ duy nhất của ông Angiolo Corsini và bà Giulia Salvi. Trong dòng họ Corsini có thánh Andrea Corsini (1302-1374) và Đức Giáo Hoàng Lorenzo Corsini tức là Đức Clemente XII (1730-1740).
Năm 1893, gia đình ông bà Angiolo và Giulia Corsini dời về sống tại thủ đô Roma. Ban đầu, cô bé Maria 9 tuổi theo học nơi trường Pháp của các Nữ Tu thành Cluny. Sau đó ông Angiolo chuyển con gái sang trường công và trường Nữ Thương Mại và Kế Toán, chuyên về hai ngoại ngữ Anh và Pháp.
Với trí thông minh sắc sảo, trong khung cảnh gia đình lành mạnh và tinh tế nơi thủ đô Roma tràn đầy nghệ thuật tôn giáo cổ kính, Maria tau luyện nhân cách và tạo cho mình bản lãnh với ba đức tính nổi bật: thẳng thắn, vui tươi và tin tưởng. Nhưng nhất là, Maria có tâm hồn nhiệt thành và trong trắng. Maria luôn chu toàn mọi việc thật nghiêm chỉnh và chú tâm cách riêng đến lãnh vực tinh thần cũng như tôn giáo.
Vừa khi tậu được căn nhà khang trang nơi thủ đô Roma, ông Angiolo Corsini và bà Giulia Salvi tức khắc đưa ông bà ngoại của bé Maria về ở chung. Ông ngoại Cesare Salvi tính tình cởi mở, hăng say và rất thích du hành đây đó. Trong khi bà ngoại Enrichetta Bencini kín đáo, dịu hiền và chỉ chú tâm vào việc nội trợ. Đây là khung cảnh một gia đình hết sức đặc thù. Maria gần như lớn lên trong mái ấm có hai người cha và hai người mẹ. Mỗi người với bản lĩnh hoàn toàn khác nhau nhưng luôn luôn tôn trọng và kính yêu tha nhân. Dầu vậy, không thể nào tránh khỏi va chạm do cuộc sống chung gây nên.
Trong bầu khí gia đình ấy, cô bé Maria chăm chỉ học hành và vui sống. Tháng 9 năm 1897 – 13 tuổi – Maria vào tuần phòng nơi dòng Các Nữ Tu Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng để chuẩn bị xưng tội và rước lễ lần đầu. Đây là biến cố quan trọng, ghi dấu cuộc sống thiêng liêng sau này. Hơn thế nữa, có một trùng hợp đáng nói. Ngày 30-9-1897, bên trời Pháp, nơi đan viện Kín Cát-Minh ở Lisieux, nữ tu 24 tuổi – Têrêsa Hài Đồng GIÊSU – hấp hối và trút hơi thở cuối cùng. Trước đó, chị nữ tu hứa sẽ xin Chúa cho mưa hoa hồng – tức tuôn đổ ơn thánh – trên mọi tâm hồn thiện chí. Vào cùng ngày ấy, nơi thủ đô Roma, Maria Corsini rước Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể lần đầu tiên. Sau này, Maria trở thành một trong những người nhiệt tâm bước theo vết chân bé nhỏ thánh thiện của chị nữ tu Nhà Kín Têrêsa Hài Đồng GIÊSU và Nhan Thánh.
Những năm ở bậc trung học, Maria Corsini rất thích theo đuổi thơ văn. Cô học hỏi, trau dồi và quan sát kỹ môi trường gia đình cũng như xã hội. Cô rút tỉa, kín múc những gì tích cực, quí báu nhất nơi cuộc sống để xây dựng bản lĩnh và tâm tình tôn giáo cho riêng mình. Xuất thân từ dòng họ thượng lưu khá giả, Maria mang dáng dấp một thiếu nữ vừa trí thức vừa ẩn đầy nét đẹp siêu nhiên. Chỉ mới 17 tuổi, nhưng Maria tỏ lộ rõ ràng những đức tính cao đẹp như: nhân bản, ái quốc và lòng đạo đức sâu xa của một tín hữu Công Giáo Ý.
Đây cũng là thời gian đôi bạn trẻ Maria Corsini và Luigi Beltrame Quattrocchi có nhiều cơ hội gặp gỡ và quen biết nhau, trong bối cảnh giới trẻ Roma. Maria là thiếu nữ duyên dáng nhanh nhẹn và tinh tế. Luigi là luật sư trẻ tuổi đứng đắn và hiền hòa. Thêm vào đó, hai gia đình Quattrocchi và Corsini cũng thường xuyên liên hệ thân tình với nhau. Tất cả những điểm thuận lợi ấy đưa đẩy đôi bạn trẻ Maria và Luigi tiến đến chỗ hiểu và quí mến nhau, đặc biệt về phía Luigi. Chàng ngỡ ngàng và sung sướng khám phá ra mức độ hiểu biết cùng những đức tính cao quí của Maria. Hình ảnh Maria ”nhè nhẹ” đi vào cuộc đời chàng và trở thành nơi nương tựa, điểm tham chiếu cho chàng.
Thế rồi, Luigi lần lượt chịu tang Dì Dượng. Dượng Luigi Quattrocchi qua đời ngày 20-3-1902. Dì Stefania Vita qua đời ngày 26-7-1904. Luigi đương nhiên hưởng trọn gia tài Dì Dượng để lại. Sự kiện này gây ghen tương và dèm pha trong gia tộc của Dì Dượng. Lời ra tiếng vào ấy gây đau khổ vô cùng cho Luigi, vốn tính nhạy cảm và chính trực. Đầu năm 1905, chàng ngã bệnh nặng. Nặng đến độ các bác sĩ bó tay, tuyên bố vô phương chữa trị. Mạng sống chàng treo lơ lửng trên sợi dây.
Tin không lành đến tai gia đình Corsini, đặc biệt đến với Maria. Cô hiểu rõ tình trạng trầm trọng. Trầm trọng về phương diện thế trần. Chính lúc này Maria biểu lộ Đức Tin vững mạnh. Cô khẩn nài THIÊN CHÚA, qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA, cứu sống Luigi. Rồi nàng gởi cho chàng bức ảnh Đức Mẹ Pompei, đàng sau có ghi mấy hàng bằng tiếng Anh:
– Đây là bức ảnh mà trước bức ảnh này, em khẩn thiết kêu cầu cho sức khoẻ của Anh. Xin Anh hôn bức ảnh vào mỗi tối và mỗi sáng và luôn giữ bức ảnh bên mình. Nguyện xin THIÊN CHÚA và Đức Mẹ MARIA chúc lành cho Anh cùng gia quyến.
Lời khẩn nguyện của Maria được chấp nhận. Đầu tháng 3 năm 1905, Luigi khỏi bệnh. Đôi bạn trẻ gặp gỡ, tìm hiểu thêm và ngày 31 tháng 3 cả hai chính thức đính hôn. Cuối năm ấy, ngày 25-11-1905, cả hai thề hứa trọn đời yêu nhau và lãnh bí tích Hôn Phối tại đền thờ Đức Bà Cả ở thủ đô Roma.
II. Cuộc sống gia đình của Vợ Chồng Chân Phước
Sau lễ thành hôn, ông Luigi Beltrame Quattrocchi về sống nơi gia đình vợ, bà Maria Corsini. Nơi đây có cha mẹ vợ Angiolo Corsini và Giulia Salvi. Ngoài ra còn có ông bà ngoại Cesare Salvi và Enrichetta Bencini. Từ đây, nơi mái ấm gia đình này, bắt đầu cuộc sống chung giữa 3 đôi vợ chồng, thuộc 3 thế hệ, với tính tình thật khác biệt nhau. Nhưng cũng chính tại đây diễn ra cuộc sống thường ngày với niềm vui nỗi khổ, thể hiện cách hoàn hảo nơi đôi bạn trẻ Luigi và Maria. Vốn tính tình cương trực và quảng đại, cộng với tình yêu vợ nồng nàn, ông Luigi chấp nhận tất cả va chạm và vượt qua hết. Về phía bà Maria cũng có cùng can đảm y như chồng.
Sau này, người con gái của Ông Bà là nữ tu Maria Cecilia, làm chứng về nhân đức anh hùng của thân mẫu như sau:
– Đời sống thiêng liêng của Má tự xây dựng nhờ sức tác động kín ẩn và dồi dào của ơn thánh. Đau khổ tinh thần không thiếu. Trong gia đình, mỗi người nổi bật một cá tính. Ngoại Angiolo – có lẽ do ảnh hưởng đời sống từng chỉ huy trong quân đội – thường dễ dàng tỏ ra độc tài. Linh hồn nhạy cảm của Má được tinh luyện bởi đau khổ diễn ra trong gia đình. Chẳng hạn, một vật để không đúng chỗ hoặc chén đĩa xếp lôi thôi, đều bị la rầy. Má tâm sự với tôi rằng: ngay từ nhỏ, Má luôn dấu dưới đĩa một cành ô-liu được làm phép, với lời khẩn nguyện xin THIÊN CHÚA ban ơn an bình trong gia đình. Một lần, Má không ngần ngại thưa thẳng với thân phụ rằng: ”Ba biết không, với tính tình khó chịu của Ba, hẳn con sẽ không chấp nhận lấy Ba như Mẹ đã làm đâu!”
Có thể nói được rằng chính bà Maria dẫn đưa và lôi cuốn chồng – ông Luigi – đi vào con đường thánh thiện trong bậc sống hôn nhân. Một năm sau khi thành hôn, bà Maria sinh hạ con trai đầu lòng tên Filippo, sau đó trở thành Linh Mục Tarcisio (1906-2003). 3 năm sau, bà sinh đứa con gái thứ hai đặt tên Stefania, sau này trở thành nữ tu Biển-Đức Maria Cecilia (1908-1993). Người con thứ ba tên Cesare (1909-2009) và là Linh Mục Paolino thuộc dòng Trappist. Người con gái út tên Enrichetta (1914-2012).
Cuộc sinh ra của Enrichetta là kết quả của lòng phó thác và tin tưởng vững chắc của cả hai ông bà Luigi và Maria nơi Tình Yêu THIÊN CHÚA Quan Phòng.
Thật thế, khi bà Maria mang thai được 4 tháng, bác sĩ Regnoli của nhà thương ”Nữ Hoàng Elena” ở Roma đã khám phá ra nơi bà một chứng bệnh hiểm nghèo. Nếu không chữa trị kịp thời, chứng bệnh sẽ đưa đến cái chết của cả hai mẹ con. Đối với bác sĩ, không có hy vọng cứu sống bào thai. Hoặc giả đứa bé sống sót thì sẽ bị tàn tật suốt đời. Chi bằng tốt nhất nên cứu sống người mẹ. Trong trường hợp này, bà Maria phải quyết định ngưng mang thai tức khắc.
Chính Linh Mục Paolino – người con thứ ba – gợi lại biến cố đau thương.
Sau khi lặng lẽ nghe bác sĩ tuyên án, đôi mắt Má ngước nhìn Ba. Bốn mắt giao nhau trong cùng ý tưởng. Rồi cả hai lặng lẽ hướng về cây Thánh Giá treo trên tường, như âm thầm kín múc sức mạnh để sẵn sàng nói: ”Không phá thai!” Khi biết rõ quyết định của Ba Má, bác sĩ kinh ngạc nói với Ba:
– Luật sư không biết rằng rồi đây luật sư sẽ mất vợ và sẽ một mình dưỡng dục ba đứa con thơ sao?
Nhưng quyết định của Ba Má trước sau như một:
– Không giết chết bào thai trong dạ!
Sức mạnh duy nhất giúp Ba Má thắng vượt khó khăn trong lúc này chính là lòng tin tưởng tuyệt đối nơi sự trợ giúp của THIÊN CHÚA và Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Và THIÊN CHÚA đã thưởng công. Sau 8 tháng cưu mang, bác sĩ quyết định mổ và đưa đứa bé ra. Hôm ấy là ngày Thứ Hai Tuần Thánh 6-4-1914. Đó là bé Enrichetta. Đứa con đáng lý không được sinh ra đã tận hiến cho THIÊN CHÚA tại gia và phụng dưỡng Cha Mẹ suốt cuộc đời mình, cho đến khi Chúa lần lượt gọi Ba Má về với Ngài.
Về phần Enrichetta, bà làm chứng:
– Thời niên thiếu, tôi không bao giờ nghe Má nhắc đến thảm trạng của giai đoạn đau thương này. Khi trưởng thành, có lần nói chuyện với Má, tôi cố ý gợi lên. Nhưng Má chỉ nói phớt qua rồi nhấn mạnh: ”Biến cố ấy đã trở thành phúc lành cao cả cho toàn thể gia đình mình!”.
Song song với cuộc sống gia đình, ông Luigi hành nghề luật sư. Rồi ông được mời giữ những chức vụ cao cấp trong chính phủ Ý thời bấy giờ. Ông cũng tham gia nhiều hoạt động tông đồ và xã hội. Ông tích cực phổ biến phong trào Hướng Đạo Công Giáo. Ngay từ năm 1918 ông đã ghi danh hai đứa con trai Filippo 12 tuổi và Cesare 9 tuổi vào Phong Trào.
Xin nhường lời cho Cha Tarcisio, trưởng nam, nói về phương cách giáo dục của Song Thân Luigi và Maria.
Thời điểm quan trọng đánh dấu công trình huấn luyện, chắc chắn phải nhắc đến chuyện Ba Má cho chúng tôi gia nhập phong trào Hướng Đạo Công Giáo. Phong Trào được Ông Robert Baden Powell (1857-1941) thành lập bên Anh Quốc vào năm 1899-1900. Ba Má chúng tôi chú ý ngay đến Phong Trào này. Thân Phụ tôi tức khắc tham gia Ủy Ban Điều Hành Phong Trào, vừa được các Linh Mục Dòng Tên đưa vào Ý năm 1916.
Trong vòng 9 năm – từ 1918 đến 1927 – Ba tôi hoạt động hăng say trong Hội Đồng Tổng Cố Vấn của Phong Trào. Về phần thân mẫu, người đặt mua ngay từ Anh Quốc cuốn sách của vị Sáng Lập Phong Trào để nghiên cứu kỹ lưỡng mục đích của Phong Trào. Bởi lẽ, Ông Robert Baden Powell là tín hữu Anh Giáo. Sau khi cầm chắc quan điểm đúng đắn về tôn giáo, Má tôi theo khóa học hàm thụ về giá trị của Phong Trào Hướng Đạo.
Việc tham gia các sinh hoạt của Phong Trào Hướng Đạo Công Giáo giúp chúng tôi sử dụng đúng đắn thời gian rãnh rỗi ngoài giờ học cũng như ngoài gia đình. Nó cũng giúp tâm trí chúng tôi hướng về một lý tưởng cao đẹp. Nhờ tính nhạy cảm và nghệ thuật giáo dục tinh vi, Song Thân chúng tôi luôn đưa phương thức huấn luyện lên bình diện thiêng liêng và siêu nhiên. Tất cả đều nhắm tới Tình Yêu, Vinh Quang và Thánh Ý THIÊN CHÚA. Thêm vào đó, chúng tôi có Cha Linh Hướng. Chúng tôi thường xuyên lãnh các Bí Tích và lần hạt Mân Côi chung vào mỗi buổi tối. Ngoài ra Ba Má còn xin Tôn Vương Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong gia đình. Các sinh hoạt lành thánh đó góp phần rất lớn vào nền giáo dục nhân bản và thiêng liêng cho chúng tôi.
Kể từ sau lễ thành hôn và lần lượt cho ra chào đời 2 trai 2 gái, vợ chồng Luigi và Maria sống với Cha Mẹ vợ và Ông Bà Ngoại của vợ. Như thế, dưới cùng mái ấm gia đình, có đến 4 thế hệ cùng sống chung. Xin nhường lời cho hai người con gái – bà Enrichetta và nữ tu Maria Cecilia – gợi lại kỷ niệm của quãng thời gian này.
Bà Enrichetta. Thân mẫu chúng tôi nhắc lại quá khứ với tâm tình trìu mến. Người cũng nói về phương pháp giáo dục nghiêm khắc diễn ra trong gia đình. Liên hệ giữa Song Thân với Ông Bà Ngoại và Ông Bà Cố được chấp nhận trong kính trọng và thông cảm. Tình yêu sâu xa của thân phụ dành cho thân mẫu giúp người thắng vượt mọi khó khăn và khác biệt giữa các thế hệ. Về phần thân mẫu, người cũng chấp nhận dễ dàng mọi mệnh lệnh đến từ cha mẹ và ông bà ngoại trong những vấn đề liên quan đến việc tổ chức. Thế nhưng, trong lãnh vực giáo dục con cái, thân mẫu chúng tôi cương quyết giữ vững trách nhiệm này. Tôi lên 8 tuổi khi ngoại Angiolo Corsini qua đời. Nhưng tôi nhớ như in nỗi đau đớn của thân phụ tôi biểu lộ trong biến cố đau thương ấy. Trong đại gia đình chúng tôi, luôn đề cao khuôn vàng thước ngọc:
– Chỉ duy nhất THIÊN CHÚA Nhân Lành là Chủ Tể mọi loài và mọi sự.
Nữ tu Maria Cecilia. Tôi xác tín sâu xa rằng sự hiện diện của Ông Bà Ngoại và Ông Bà Cố gây ảnh hưởng sâu xa trong cuộc đời niên thiếu của cả 4 anh chị em chúng tôi. Trước tiên là tình âu yếm các ngài dành riêng cho từng người. Tiếp đến là chỗ đứng xứng hợp của các ngài trong gia đình. Tất cả mối dây liên hệ thân tình đó tôi chỉ có thể quí chuộng và thấu hiểu hơn sau này, khi tôi có dịp tiếp xúc với các học sinh. Cách thức chúng tôi – những đứa con cháu – kính trọng và chăm sóc các ngài, cũng như lề lối các ngài biểu lộ lòng trìu mến đối với chúng tôi, chiếm chỗ đứng quan trọng trong nền giáo dục của chúng tôi.
III. Vai trò đặc thù của các Linh Mục thánh thiện trong cuộc sống hôn nhân của Đôi Vợ Chồng Chân Phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi.
Vị Linh Mục đầu tiên ảnh hưởng tới đường tu đức của ông Luigi và bà Maria là Cha Pellegrino Paoli, thuộc dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô. Cha Paoli quê làng Massarosa gần Viareggio thuộc tỉnh Lucca (Bắc Ý). Ông bà Luigi và Maria được diễm phúc quen biết Cha Paoli sau khi sinh hạ đứa con thứ hai vào năm 1908. Lúc ấy, Cha Paoli phụ trách môn Kinh Thánh tại Học Viện Giáo Hoàng Thánh Antôn ở thủ đô Roma. Trước đó, Cha từng sống lâu năm bên Thánh Địa. Ngoài môn Kinh Thánh, Cha Paoli còn giữ nhiệm vụ giảng thuyết Mùa Chay nơi các đền thờ Công Giáo nổi tiếng ở Roma. Cha trở thành điểm tham chiếu cho bà Maria và sau đó cho cả ông Luigi nữa.
Với bà Maria – người mẹ trẻ – một phụ nữ Công Giáo vừa trí thức vừa nhạy cảm, Cha Paoli giúp bà luôn biết tự chủ, đặc biệt trong việc chăm sóc các con thơ dại. Cha giúp bà không đi thái quá trong việc lo lắng cho con, nhưng đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay THIÊN CHÚA. Hơn thế nữa, Cha giúp bà thánh hóa tình mẫu tử bao la bà dành cho con cái. Ai ở trong tình yêu thì ở trong THIÊN CHÚA. Ai ở trong THIÊN CHÚA sẽ gặp gỡ anh chị em mình. Nhờ thế, con tim bà Maria rộng mở và tình mẫu tử không bị thu hẹp .. Rồi dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của Cha Paoli, bà Maria từ từ tìm được mối liên hệ hòa nhịp và thắm thiết với chồng, để cả hai trở nên MỘT. Ông Luigi cũng được cuốn hút vào sự chỉ đạo thiêng liêng của Cha Paoli. Cùng với vợ, cả hai tìm cách ra khỏi ”cái tôi ích kỷ” và vứt bỏ mọi chướng ngại, cản trở sự hiệp nhất giữa đôi vợ chồng. Dĩ nhiên, trong tất cả tiến trình thiêng liêng này, bí tích Giải Tội và Thánh Thể là suối nguồn ơn thánh cho toàn gia đình Luigi và Maria.
Gần 10 năm sau, một Linh Mục thánh thiện khác đi vào cuộc đời Vợ Chồng Luigi và Maria. Đó là Cha Edward Matteo Crawley-Boevey (1875-1960). Cha là một trong những vị tông đồ nhiệt thành cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cha cũng phổ biến rộng rãi phong trào Đền Tạ và Tôn Vương Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong các gia đình Công Giáo. Thân phụ Cha Matteo là tín hữu Tin Lành người Anh và thân mẫu là tín hữu Công Giáo người Tây Ban Nha. Cha chào đời ngày 18-10-1875 tại Arrequipa bên nước Perù và qua đời ngày 4-5-1960 tại Valparaiso, một thành phố nằm về phía Tây Bắc thủ đô Santiago của nước Chilê ..
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa bà Maria và Cha Matteo diễn ra vào năm 1916, nơi cộng đoàn các Nữ Tu Đức MARIA Đền Tạ ở Roma. Hôm ấy Cha Matteo giảng cho một nhóm thuộc Hội Các Bà Chầu Mình Thánh Chúa, trong đó có bà Maria. Lời giảng vô cùng kích động. Sau bài giảng, Các Bà kéo đến chào và hôn tay Cha. Đến phiên bà Maria, Cha Matteo nhìn thẳng bà và nói: ”Hãy trở thành tông đồ!”. Câu nói như một lệnh truyền, xuyên thấu con tim nồng cháy và quảng đại của bà Maria. Đó là bước quyết liệt cho một định mệnh thánh thiện sau này.
Kể từ ngày ấy, Cha Matteo thường xuyên viếng thăm gia đình Luigi và Maria. Bà Maria như bị thu hút bởi nhiệt tâm tông đồ của vị Linh Mục khả kính. Bà đặt trọn tin tưởng nơi Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng vừa là Bạn Trung Tín vừa là Tình Quân muôn thưở. Đại gia đình gồm Ông Bà Cố, Ông Bà Ngoại, Ba Má và Con Cái cùng nhau kín múc Suối Nguồn Ơn Phúc nơi Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Những liên hệ chặt chẽ giữa Ông Bà Luigi Maria và Cha Matteo đưa đến việc tận hiến toàn gia đình cho Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU trong một nghi thức trọng thể Tôn Vương Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU diễn ra vào ngày 1-6-1920. Bức ảnh Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU được Cha Matteo đặt vào chỗ danh dự trong phòng ăn, nơi toàn gia đình qui tụ mỗi ngày. Bức ảnh đó vẫn còn cho đến ngày nay, hơn 90 năm trôi qua. Chính Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ chủ sự và chúc lành cho các biến cố quan trọng xảy trong gia đình, cho mọi niềm vui nỗi sầu cũng như cho những chia ly và từ bỏ giữa các phần tử.
Nghi thức tận hiến và tôn vương Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU như một bàn đạp, đẩy cao toàn gia đình Luigi và Maria tiến đến bậc trọn lành và đưa 3 trong số 4 người con vào đời sống tu trì.
Ngày 22-2-1922, Filippo – trưởng nam – chính thức bày tỏ cùng thân mẫu quyết định gia nhập Chủng Viện. Vài tuần kế tiếp, đến phiên Cesare – con thứ ba – báo tin ước muốn trở thành tu sĩ Biển Đức. Hai năm sau, vào cùng ngày 6-11-1924, Filippo, 18 tuổi, gia nhập chủng viện của Học Viện Caprania và Cesare, 15 tuổi, gia nhập Đan Viện Biển Đức Thánh Phaolô ngoại thành Roma. Đến ngày 5-6-1927, Ông Bà Luigi và Maria đưa đứa con gái Stefania, 19 tuổi, vào Đan Viện Kín của các Nữ Tu Biển Đức ở Milano (Bắc Ý).
Xin nhường lời cho Linh Mục Paolino (tức Cesare) kể lại biến cố đáng ghi nhớ này.
Tôi xin nhấn mạnh đến bầu khí gia đình, đặc biệt ngày hôm trước khi anh Filippo và tôi giã biệt mái ấm. Sáng ngày 5-11-1924, Đức Thánh Cha Pio XI (1922-1939) tiếp kiến riêng toàn gia đình chúng tôi. Ngài khuyến khích và chúc lành cho từng người. Ban chiều cùng ngày, sau bữa ăn tối – bữa ăn cuối cùng gia đình tôi họp mặt đầy đủ – mọi người, từ lớn tới nhỏ, đều quì gối trước bức ảnh Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU. Bằng giọng cảm động nhưng rắn chắc, thân mẫu chúng tôi lập lại lời dâng hiến toàn thể gia đình cho Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU. Sau đó thân phụ chúng tôi cất Kinh Cầu Thánh Tâm. Buổi cầu nguyện kết thúc với Kinh Lạy Cha và Kinh Magnificat. Sáng sớm hôm sau, 6-11, Thứ Sáu Đầu Tháng, toàn gia đình đưa anh Filippo đến Học Viện Caprania. Đức Ông Carinci, Viện Trưởng, cử hành Thánh Lễ. Sau phần Rước Lễ, Cha Viện Trưởng tròng áo chùng thâm vào người anh Filippo, khởi đầu bước tiến dẫn đến thiên chức Linh Mục. Thánh Lễ kết thúc, chúng tôi trở về nhà, thiếu đi một người con. Vào ban chiều, toàn gia đình lại lên xe đưa tôi vào Đan Viện Biển Đức Thánh Phaolô. Nơi đây Viện Phụ Alfredo Ildefonso Schuster (1880-1954) tiếp đón tôi cùng với Cha Tập Sư Ildebrando Vannucci. Kể từ buổi tối hôm ấy, mái ấm vắng bóng hai người con trai.
Nữ tu Maria Cecilia (tức Stefania hay Fanny) – người con thứ hai – kể lại ơn gọi tu dòng.
Cuộc ra đi của hai con trai để lại một chỗ trống rộng lớn trong gia đình. Người đau khổ nhất là thân phụ chúng tôi. Thân mẫu chúng tôi cũng đau khổ không kém. Nhưng trong đau khổ, người phụ nữ đứng vững hơn, bởi vì, người nữ có nhiệm vụ nâng đỡ người nam. Do đó, thân mẫu chúng tôi dấu kín nỗi buồn để không đè nặng thêm trên nỗi sầu của thân phụ. Chưa hết. Thân mẫu tôi tìm cách nâng đỡ và huấn luyện tôi, giúp tôi tìm đúng con đường ơn gọi. Tận thâm tâm tôi hiểu rằng, ngày nào tôi ra đi theo tiếng Chúa gọi, ngày đó sẽ trở thành lưỡi đòng thứ ba đâm thấu con tim của Má tôi. Tôi thầm nghĩ trong số ba người con xa lìa gia đình, tôi là người con gây đau khổ nhiều nhất cho thân mẫu tôi, về phương diện tình cảm. Đời Tu Kín đòi buộc từ bỏ toàn diện so với các mẫu tu trì khác. Đó là quãng thời gian THIÊN CHÚA Nhân Lành đòi nơi cả Ba lẫn Má một hy sinh lớn lao. Bù lại, Ngài ban cho Ba Má ngay ở đời này một vài an ủi tự nhiên và siêu nhiên. Ngày nay Ba Má tôi tận hưởng Niềm Vui vô biên trên Thiên Quốc, niềm vui chiếm hữu nhờ những hy sinh vui lòng chấp nhận ở đời này.
Cha Paolino (Linh Mục Trappist) nói tiếp về niềm vui nỗi sầu của Ông Bà Luigi và Maria trong việc dâng hiến 3 người con cho Thánh Ý THIÊN CHÚA.
Ba ơn gọi của chúng tôi được thông báo chỉ cách nhau vài tháng, đúng là ”trái bom” nổ tung vào năm 1922. Dĩ nhiên, thân mẫu là người đầu tiên tiếp nhận ”tâm sự” của chúng tôi. Người giữ kín ”ba hạt giống ơn gọi trong lòng”, đồng thời gia tăng niềm trìu mến đối với chúng tôi. Người cũng khiêm tốn dâng lên THIÊN CHÚA lời cảm tạ sâu xa. Kinh ngạc, hân hoan, đau khổ và tri ân: những tâm tình thánh thiện gói trọn trong hai chữ FIAT – XIN VÂNG.
Trong thời gian này, Ba Má bàn hỏi hai vị Linh Mục Linh Hướng của gia đình là Cha Pellegrino Paoli và Cha Edward Matteo Crawley-Boevey. Ba Má cũng hội ý Đức Ông Angelo Roncalli, sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963). Lúc ấy Đức Ông Roncalli là Cha Giải Tội của ”Trung Tâm Giới Trẻ Thánh Tâm”, nằm cạnh nhà thờ Thánh Carlino ở Quattro Fontane nơi thủ đô Roma.
IV. Đồng hành với con cái trong ơn gọi Linh Mục và tu sĩ
Ngày 25-11-1930, Ông Bà Luigi và Maria cử hành Ngân Khánh Hôn Phối. Bao đoạn đường trải qua trong phần tư thế kỷ. Bao gặp gỡ quan phòng cũng như bao hy sinh từ bỏ! Bao biến đổi nội tâm cá nhân cũng như toàn gia đình. Và nhất là, bao ân phúc tuôn đổ trên mọi người. Và THIÊN CHÚA Nhân Lành dành riêng món quà quí giá nhất cho dịp kỷ niệm này. Chỉ vài ngày sau đó, Filippo – trưởng nam 24 tuổi – lãnh nhận thiên chức Linh Mục với tên dòng là Cha Tarcisio. Chính vị tân Linh Mục cử hành Thánh Lễ đầu tay để chúc lành Lễ Bạc Hôn Phối cho Song Thân. Thánh Lễ diễn ra nơi nhà nguyện riêng của Đan Viện Biển Đức ở thành phố Parma, Bắc Ý.
Ông Bà Luigi và Maria luôn luôn duy trì mối giây hiệp thông với ba người con tận hiến cho THIÊN CHÚA đang sống xa gia đình. Liên hệ thân tình bằng những cuộc viếng thăm ngắn ngủi hoặc đặc biệt qua thư từ. Những tờ thư diễn đạt tình hiệp nhất trong kinh nguyện, tư tưởng, tâm tình và cả đến văn chương .. Ngày 6-4-1932, bà Maria viết cho Linh Mục Tarcisio:
– Con không thể tưởng tượng Mẹ sung sướng biết bao khi biết con đang đọc cuốn ”Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”. Sau “Phúc Âm” và sách ”Gương Phúc” đó là cuốn sách thiêng liêng giúp ích rất nhiều cho các linh hồn thuộc đủ mọi giai tầng khác nhau.
Ngày 15-10-1932, nhân dịp sinh nhật thứ 26 của Linh Mục Tarcisio, bà Maria viết cho con:
– Một lời nói gói trọn tâm hồn trong ngày hồng phúc, ngày mà lần đầu tiên Mẹ âu yếm gọi hai tiếng ”con ơi!”. Gởi đến con lời chúc mừng nồng nhiệt của riêng Mẹ và của mọi người thân yêu trong gia đình. Chúc con thánh thiện và tiếp tục tiến bước trong Tình Yêu THIÊN CHÚA. Tình Yêu dần dần tỏ lộ theo mức độ chúng ta từ bỏ ”cái tôi” và cố gắng trở nên giống Ngài hơn. Nguyện xin cho cuộc đồng hình đồng dạng thánh thiêng tăng trưởng mãi với Thánh Lễ con cử hành mỗi ngày.
Một tháng sau, nhận tin người con trai thứ hai, Cesare, 24 tuổi, sẽ được thụ phong Linh Mục vào ngày 7-1-1933, với tên gọi là Cha Paolino, bà Maria viết cho con:
– Tâm hồn mọi người hướng về ánh sáng mới chói chang mà THIÊN CHÚA chiếu dọi trên toàn gia đình, qua trung gian của con. Con có thể tưởng tượng với tâm tình trìu mến nào Mẹ dành cho con, mỗi khi Mẹ khẩn cầu THIÊN CHÚA gìn giữ con! Con an tâm, Mẹ sẽ xin dâng thêm nhiều Thánh Lễ khác để cầu theo các ý chỉ của con. Nguyện xin lòng Nhân Hậu Bao La của Đức Chúa GIÊSU KITÔ dẫn dắt con, trên bước đường con tiến lên Bàn Thánh. Xin Ngài mặc cho con chính Ngài để con trở thành một Đức Chúa KITÔ khác. Con hãy tin tưởng phó thác trọn vẹn cho Thánh Tâm Ngài. Chính nơi Thánh Tâm Ngài mà mọi thiếu sót của con sẽ được Tình Yêu Thánh Thiện Ngài thiêu hủy, cũng như những chiến đấu của con – được thiện chí hỗ trợ – sẽ được biến đổi thành chiến thắng của Tình Yêu.
Ngày 17-4-1933 nơi cộng đoàn các Nữ Tu Đền Tạ ở Roma, diễn ra cuộc họp các Bà Mẹ có con làm Linh Mục. Dĩ nhiên Bà Maria cũng có mặt. Sau đó, bà viết cho hai con là Cha Tarcisio và Cha Paolino:
– Mẹ không thể nào bày tỏ cùng con mọi tâm tình Mẹ cảm nghiệm khi bước vào nhà nguyện bé nhỏ này, nơi các con thường lui tới khi còn niên thiếu, cũng như nơi Mẹ hằng ấp ủ mọi kỷ niệm trong lòng. Mẹ cảm thấy vô cùng hãnh diện được có mặt vào dịp đó, với cùng một mục đích, giữa bao Bà Mẹ khác, những người mẹ được THIÊN CHÚA chiều đãi cách riêng, giống như Mẹ vậy. Không, đây không phải cái gì thuộc về trần thế, cũng không phải niềm hãnh diện bèo bọt, nhưng là ý thức sự khốn hèn của mình được lòng Nhân Lành THIÊN CHÚA nâng cao, khi Ngài thực hiện những kỳ công vĩ đại nơi các con, những người con dấu yêu của Mẹ.
Về phần ông Luigi, kể sao cho hết niềm ưu ái Ông dành cho ba người con tận hiến cho Chúa, đang sống nơi các Đan Viện ở xa. Con trưởng nam Filippo – Cha Tarcisio – sống tại Noci, thuộc tỉnh Bari, Nam Ý. Con gái Fanny – nữ tu Maria Cecilia – ở Milano, Bắc Ý. Con trai Cesare – Cha Paolino – sống ở Parma, Bắc Ý. Trong hàng mấy năm trời, mỗi tháng, Ông Luigi dành ra tất cả 6 đêm ngủ trên xe lửa để đi thăm ba người con sống nơi ba Đan Viện khác nhau. Chẳng hạn, để đi thăm Linh Mục Tarcisio, Ông Luigi lên xe lửa tối thứ bảy và tối Chúa Nhật ông lại lấy xe lửa trở về Roma để sáng thứ hai đi làm việc như thường. Cùng lộ trình y như thế khi ông đi thăm Linh Mục Paolino và nữ tu Maria Cecilia.
Ông Luigi là mẫu gương một người Cha, một tín hữu Công Giáo nhiệt thành và là một công dân yêu nước. Ngoài xã hội, ông dấn thân trong các công tác chính trị và bác ái. Nơi gia đình, ông chu toàn bổn phận làm chồng làm cha. Con người vừa chính trị vừa trí thức ấy, luôn luôn bắt đầu một ngày với Thánh Lễ và bữa ăn với việc toàn gia đình đứng nghiêm trang đọc Kinh Truyền Tin. Vào buổi tối, khi một ngày chấm dứt, toàn gia đình lại qui tụ để lần hạt Mân Côi chung trước khi lên giường ngủ.
Ngày 23-6-1933, lễ trọng kính Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Ông Luigi viết cho Linh Mục Tarcisio:
– Mối hiệp nhất tâm trí chúng ta trong kinh nguyện hàng ngày, dĩ nhiên, trao ban cho chúng ta không biết bao nhiêu sức mạnh và trợ giúp thiêng liêng. Bổn phận chúng ta là phải kiên trì cũng như phải hy vọng THIÊN CHÚA không bao giờ quên trợ giúp cho thiện chí chúng ta.
Cuối thư, bà Maria viết thêm:
– Hôm nay, khi lập lại lời tận hiến toàn gia đình cho Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ, tất cả các con ở xa đều hiện diện trong nghi thức này.
Mối hiệp thông giữa Ông Bà Luigi và Maria với 3 con sống đời Linh Mục và tu trì, vô cùng chặt chẽ và thắm thiết. Chỉ có con gái út Enrichetta ở nhà phụng dưỡng Cha Mẹ. Một hôm, bà Maria tâm sự với người bạn gái tuổi thơ, nữ tu Maria Addolorata Astuto rằng:
– Nếu ngày kia, Enrichetta cũng được Chúa gọi đi tu, thì Luigi và em, cả hai Vợ Chồng em sẽ vào dòng!
Một biến cố liên quan đến lời khấn của bà Maria dành cho các con vào ngày 13-8-1940 tại đền thánh Đức Mẹ Divino Amore – Tình Yêu THIÊN CHÚA. Đền thánh nằm ngoài vòng đai thủ đô, cách Roma khoảng 15 cây số. Đền thánh là nơi toàn dân Ý – cách riêng thành Roma – biểu lộ lòng tin tưởng, sùng mộ đối với Mẹ THIÊN CHÚA. Ông Bà Luigi và Maria thường xuyên hành hương Đền Thánh này. Vì lý do đó, từ ngày 28-10-2001, đúng một tuần sau lễ tôn phong Chân Phước, di hài Ông Bà được chuyển về đây. Hiện nay Ông Bà yên nghỉ trong cùng phần mộ, dưới hầm Đền Thánh Đức Mẹ.
Năm 1939, đệ nhị thế chiến bùng nổ. Ngày 10-6-1940, nước Ý nhảy vào vòng chiến. Mọi đàn ông con trai phải lên đường nhập ngũ. Lúc ấy, hai người con của Ông Bà Luigi và Maria là Cha Tarcisio và Cha Paolino chưa được lệnh tòng quân. Nhưng với tình mẫu tử, Bà Maria linh tính rồi đây thế nào hai con cũng phải thi hành nghĩa vụ ”trai thời loạn”, trong tư cách là ”Linh Mục tuyên úy quân đội”.
Đoán trước nguy hiểm đang chờ đợi cũng như nghĩ đến tất cả các Bà Mẹ có con là lính, Bà Maria sốt sắng đi hành hương đền thánh Đức Mẹ Tình Yêu THIÊN CHÚA. Hôm ấy là ngày thứ bảy 13-8-1940. Nơi đền thánh, Bà đặc biệt phó thác 4 người con của Ông Bà trong vòng tay bảo bọc bao la của Mẹ THIÊN CHÚA. Trước khi rời đền thánh, bà gởi cho mỗi người con tấm thiệp với hàng chữ:
– Má đã cầu nguyện cho các con. Đức Mẹ MARIA sẽ che chở các con!
Đầu năm sau 1941, hai Cha Tarcisio và Paolino được chỉ định làm Linh Mục tuyên úy quân đội. Và chuyện lạ đã xảy ra. Vào ngày 13-8-1942, Cha Tarcisio thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, khi chiếc tàu ”Dandolo” bị trúng thủy lôi. Năm sau, vào cùng ngày 13-8-1943, đến lượt Cha Paolino và nữ tu Maria Cecilia thoát chết cách lạ lùng. Cha Paolino, trong nháy mắt, tránh khỏi một viên đạn bắn. Còn nữ tu Maria Cecilia thì rời bỏ Đan Viện Kín Biển Đức ở Milano, vài giờ trước khi Đan Viện bị dội bom phá hủy tan tành.
V. Vợ Chồng Chân Phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi qua lời chứng của 4 người con.
1/ Filippo (1906-2003) (Linh Mục Tarcisio) – trưởng nam – nói về bầu khí gia đình.
Có thể nói rằng, khía cạnh đặc thù nếp sống gia đình chúng tôi chính là bầu khí bình thường. Cha Mẹ chúng tôi luôn tìm cách khơi động sự tìm kiếm các giá trị siêu nhiên, trong mọi khía cạnh và trong mọi thời điểm của cuộc sống gia đình. Bất cứ vấn đề nào – dù nhỏ dù lớn – trong đời sống hàng ngày, đều được nhìn dưới cái nhìn tuyệt đối siêu nhiên. Mỗi biến cố đều được chấp nhận vì Vinh Quang THIÊN CHÚA và vì Thánh Ý Ngài. Bởi thế, làm hoặc không làm một điều gì, hay phải chọn một cung cách hành xử nào, nhất nhất đều hết sức tự nhiên, không gò bó, không ép buộc, miễn sao phù hợp với Thánh Ý THIÊN CHÚA. Trong liên hệ giữa Cha Mẹ và con cái, nổi bật tâm tình trìu mến và tinh thần đối thoại, tin tưởng.
Ba Má chúng tôi luôn để ý đến mối liên hệ của chúng tôi với bạn bè. Các ngài ước mong chúng tôi mời bạn hữu về nhà hơn là đến nhà bạn hữu. Đây cũng là dịp chứng tỏ lòng hiếu khách của các ngài. Gia đình chúng tôi luôn mở rộng cửa tiếp đón mọi người, thuộc đủ mọi giai tầng xã hội, không trừ ai.
2/ Stefania (1908-1993) (nữ tu Maria Cecilia), trưởng nữ. Chị qua đời năm 1993, hưởng thọ 85 tuổi, sau 19 năm làm Bề Trên Nữ Đan Viện Kín Biển Đức ở Milano (Bắc Ý). Lúc sinh thời, Chị nói về con đường tu đức của thân mẫu như sau.
Đời sống thiêng liêng sâu xa của Má có thể diễn tả như là phối hợp toàn vẹn trong trọn cuộc đời Má. Ngay từ thơ ấu, Má hấp thụ một nền giáo dục nhân bản đứng đắn và thâm sâu, đặt nền móng vững chắc cho đời sống siêu nhiên sau này. Thật vậy, thói quen luôn chu toàn bổn phận cũng như luôn tập làm chủ chính mình, là phương thức tốt nhất chuẩn bị lãnh nhận hạt giống Lời Chúa. Và hạt giống rơi nhằm thửa đất tốt đã trổ sinh hoa trái dồi dào. Biến cố ghi dấu tiến trình thiêng liêng của Má là dịp Má chuẩn bị xưng tội rước lễ lần đầu năm lên 13 tuổi. Tôi nhớ có lần được đọc tờ thư ngắn Má viết cho Ông Bà Ngoại trong kỳ cấm phòng này. Má nói về Cuộc Khổ Nạn của Đức Chúa GIÊSU KITÔ do tội lỗi chúng ta gây nên. Má cũng nói về bổn phận phải kính mến Chúa và không được xúc phạm đến Ngài. Tôi nghĩ rằng không ai trong gia đình đo lường được ơn thánh Má lãnh nhận vào dịp hồng phúc ấy. Hạt giống đi vào cõi thâm sâu và dấu ẩn nơi đó. Nhiều lần Má tâm sự với tôi là không ai nói với Má về đời sống tu trì. Sau này, lúc đã đính hôn, có lần Má trình bày với Cha Ardanza, Linh Mục giải tội nơi Đền Thờ Đức Bà Cả, về ước nguyện thâm sâu của mình, Cha liền trả lời:
– Ơn gọi của con là lập gia đình!
3/ Cesare (1909-2008) (Linh Mục Paolino, đan sĩ Trappist) nói về nền giáo dục tôn giáo Ông Bà Luigi và Maria dành cho con cái.
Tôi được xưng tội và rước lễ lần đầu năm lên 6 tuổi rưỡi. Từ năm 13-14 tuổi, tôi được tham dự Thánh Lễ và rước lễ hàng ngày. Cứ mỗi chiều thứ bảy, Ba đưa chúng tôi đi xưng tội nơi nhà thờ Thánh Antôn của các Cha dòng Phanxicô. Chúa Nhật sau Thánh Lễ, nếu chúng tôi không có các sinh hoạt Hướng Đạo, Ba đưa các con đi viếng các đền đài lịch sử hoặc các cảnh đẹp trong thành phố Roma .. Nếu chẳng may đôi lần anh em chúng tôi có thiếu sót điều gì, Ba Má liền khéo léo nhắc lại lời chúng tôi long trọng tuyên thệ với tư cách là Hướng Đạo Sinh Công Giáo! Làm như thế, phương pháp huấn luyện của các ngài mang nét toàn thể và hòa điệu, trong một lề lối vừa dấu ái vừa tự nhiên. Chính mối liên hệ thân tình giữa Cha Mẹ và con cái là bí quyết thành công cho nền giáo dục của các ngài.
Thân phụ chúng tôi chia sẻ hoàn toàn với thân mẫu chúng tôi mọi niềm vui, mọi nỗi âu lo trong việc giáo dục con cái. Mỗi khi đưa chúng tôi đến trường, Ba Má thường dẫn chúng tôi ghé vào nhà thờ gần nhất để chào kính Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể đang ngự trong Nhà Tạm.
Linh Mục Paolino làm chứng tiếp về cuộc sống ”bình thường” của cặp vợ chồng ”khác thường” Luigi và Maria.
Cuộc sống lứa đôi của Song Thân chúng tôi bắt đầu ngay từ thời gian đính hôn. Cả hai cùng sánh bước trên con đường Đức Tin và trong mối hiệp thông sâu xa của ơn thánh. Đề tài đức trinh khiết trong đời sống vợ chồng được Ba Má đặc biệt lưu ý và thể hiện. Tất cả các tác phẩm của thân mẫu chúng tôi minh chứng điều đó. Người nhấn mạnh quan điểm của Kitô Giáo về gia đình và tầm quan trọng của việc giáo dục con cái liên quan đến đức trong sạch. Toàn thể các nhân đức anh hùng của Song Thân chúng tôi xuất phát từ mối hiệp thông siêu nhiên trong đời sống vợ chồng cũng như việc kín múc sức mạnh ơn thánh từ các Bí Tích.
4/ Enrichetta (1914-2012) – con út – làm chứng về lòng thương người và tinh thần hiếu khách của Ông Bà Luigi và Maria.
Giữa nhiều thời điểm khác nhau, làm tỏ lộ tình liên đới và lòng bác ái của Ba Má đối với tha nhân, tôi chỉ xin trưng dẫn một trường hợp. Đầu năm 1919, trận dịch cúm ”Tây Ban Nha” gây nên hàng triệu nạn nhân trong toàn cõi Âu Châu. Nước Ý cũng không thoát khỏi tai ương này. Trong số các nạn nhân, có gia đình bạn thân của Ba Má chúng tôi. Chỉ vỏn vẹn cách nhau vài ngày, người Cha và người Mẹ lần lượt ra đi, bỏ lại ba đứa con thơ. Chắc chắn cả ba đứa trẻ đều đã nhiễm vi trùng dịch cúm của Ba Má chúng. Trước thảm họa, Song Thân chúng tôi không do dự tính toán một giây. Đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi THIÊN CHÚA Quan Phòng và nơi sự che chở đặc biệt của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, Ba Má chúng tôi tức khắc đưa cả ba đứa trẻ mồ côi về nhà. Trong khoảng thời gian hiểm nguy và tế nhị này, Ba Má chúng tôi hoàn toàn tỏ ra thái độ điềm tĩnh và ân cần săn sóc.
Ngày 5-11-1951, gia đình Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi họp mặt đông đủ lần cuối. Đó là điều chưa hề xảy ra trong vòng 27 năm, kể từ năm 1924, khi hai người con trai gia nhập Chủng Viện. Hôm đó nữ tu Maria Cecilia tháp tùng Mẹ Bề Trên từ Milano về Roma. Ông Luigi lợi dụng dịp may hiếm có, liền bày tỏ ước muốn cho hai con trai Linh Mục Tarcisio và Paolino cũng có mặt tại gia đình, ít là chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Không ai ngờ rằng đó là niềm vui sau cùng Ông Luigi được hưởng nơi trần gian. Bởi vì 4 hôm sau, ngày 9-11-1951, Ông êm ái trút hơi thở cuối cùng, vì bệnh tim, hưởng thọ 71 tuổi.
Tin Ông Luigi từ trần loan đi thật nhanh. Căn nhà của gia đình tràn ngập người người đến kính viếng. Họ gồm đủ hạng người: từ các giới chức cao cấp chính trị, kinh tế và tôn giáo cho đến các bạn hữu. Nhưng nhất là, nổi bật các khuôn mặt nghèo nàn khiêm tốn: các cụ ông, cụ bà, những bà mẹ bồng con và đông đảo giới trẻ. Mọi người rưng rưng dòng lệ, bày tỏ lòng thương mến chân thành đối với người quá cố. Họ biểu lộ niềm tri ân sâu xa về tất cả những gì Ông Luigi đã làm, mà chỉ mình THIÊN CHÚA biết. Ai ai cũng thầm thì: ”Đây là một vị thánh!”
14 năm sau, một quang cảnh tương tự tái diễn sau cái chết của Bà Maria. Bà qua đời ngày 25-8-1965, hưởng thọ 84 tuổi. Ngay ngày hôm ấy, hàng ngũ đông đảo người, gồm đủ giai tầng xã hội – như một cuộc hành hương – tuốn đến kính viếng thi hài đặt tại tư gia nơi làng Serravalle, thuộc tỉnh Arezzo, Trung Bắc nước Ý. Tham dự Thánh Lễ an táng có toàn thể dân làng, không kể bạn hữu và gia quyến đến từ Roma.
Ngày 27-8-1965, thi hài Bà Maria được đưa về Roma và an táng nơi nghĩa trang Verano, bên cạnh Ông Luigi. Chủ sự lễ an táng là Đức Cha Aurelio Signora (Linh Hướng của Bà Maria) đến từ Pompei (Nam Ý). Hiện diện trong Thánh Lễ an táng, ngoài thân bằng quyến thuộc, còn có không biết bao khuôn mặt không tên không tuổi của những người đơn sơ khiêm tốn từng thụ ơn Ông Luigi và Bà Maria Beltrame Quattrocchi.
Ngày 28-10-2001, đúng một tuần sau lễ tôn phong Chân Phước, di hài Ông Bà được chuyển về đền thánh Đức Mẹ Divino Amore. Ông Bà yên nghỉ trong cùng phần mộ dưới hầm Đền Thánh Đức Mẹ.
(Giorgio Papàsogli, ”Questi Borghesi … I Beati Luigi e Maria Beltrame Quattrocchi”, Cantagalli, 2001 // Luciano Moia, ”Beati Genitori”, Ancora, 2001)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 26.11.2015)